Mặt sông Hương phía chợ Đông Ba cỏ dại mọc um tùm

Vừa rồi, tôi sang chợ Đông Ba, đi dọc con đường Chương Dương để tìm ra bến sông xưa. Nơi đây hàng quán đã che kín mít, phải đi đến đoạn gần cầu Trường Tiền mới có một con đường nhỏ, nhưng một bãi giữ xe máy tạm bợ bít cả lối ra. Men theo lối đi nhỏ, được rào chắn bởi hàng rào bằng thép, tôi mới tiếp cận được bến sông, nhưng cỏ dại mọc um tùm, cao ngang đầu nên tôi không thể nào xuống được dưới sông. Dấu tích bến đò năm xưa nay đã không còn.

Nhắc lại bến đò Đông Ba năm xưa, mệ Văn Thị Lang, năm nay 86 tuổi, ở Thủy Biều, một người buôn bán trái cây chuyên chở bằng đường sông lâu năm cho hay: “Tôi lớn lên là theo mẹ buôn bán trái cây ở khắp nơi trong làng, sau đó tập kết ra bến đò Long Thọ theo xuôi thuyền về chợ Đông Ba để bán. Trước đây, mỗi ngày có hai chuyến đò từ Đông Ba lên Thủy Biều và ngược lại nên ở Thủy Biều, Thủy Xuân, Phường Đúc buôn bán lớn cũng xuôi theo dòng sông Hương về chợ Đông Ba. Bến đò chợ Đông Ba khi xưa tấp nập thuyền ra thuyền vào, nhưng nay đã không còn”.

Bà Nguyễn Thị Phụng, năm nay gần 90 tuổi, ở chợ Dinh vẫn còn nhớ như in: "Thời xưa, ở Huế chủ yếu là sông nước nên việc đi lại bằng đường sông là thịnh hành nhất. Hồi còn con gái, tôi hay đi buôn cau trầu với số lượng lớn, rồi vận chuyển ra bến chợ Dinh cho thuyền chèo ngược lên chợ Đông Ba để bán sỉ lại cho người ta. Bây giờ chợ Đông Ba đâu còn bến đò cho người ta neo đậu thuyền bè. Thật là tiếc”.

Anh Nguyễn Trọng Vinh, bạn tôi hiến kế: “Huế mình đang đẩy mạnh phát triển du lịch, nhìn từ bên này sông sang chợ Đông Ba đẹp đến mê hồn, sao không khôi phục bến đò năm xưa để đưa khách du lịch tham quan bằng thuyền, khởi hành từ bến thuyền Tòa Khâm, hoặc Đập Đá chèo qua bên kia để tham quan, mua sắm nhỉ?”. Còn anh Lê Văn Thư cũng là người bạn thân của tôi, thì cho hay: “Hiện tại chúng ta đang thiếu sản phẩm du lịch trên sông Hương. Nếu đưa tuyến này vào khai thác, trong đó lấy các điểm di sản như hệ thống lăng tẩm (lăng Tự Đức, Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Linh Mụ), làng mạc (Nguyệt Biều, Lương Quán, Kim Long, Hương Long, Ngọc Hồ…) nằm bên cạnh dòng sông cùng với chợ Đông Ba làm điểm đến tham quan thì chắc chắn sẽ để lại ấn tượng rất lớn cho du khách gần, xa”.

Những ý kiến của người dân về khôi phục lại bến đò chợ Đông Ba không phải là không có lý. Nếu thực hiện được việc này, không chỉ góp phần bảo tồn, tôn tạo lại bến đò xưa, mở thêm tour, tuyến mới để thúc đẩy phát triển du lịch, mà còn làm tốt việc giới thiệu, quảng bá chợ Đông Ba đến với du khách gần xa.

Bài, ảnh: HOÀNG LÊ