Cách đây mấy chục năm, bố mẹ ông quyết tậu đất xây nhà. Trước là để gia đình có chỗ chui ra chui vào, thứ nữa, vị trí chọn thuận đường thuận sá, có thể làm ăn mua bán để nuôi sống gia đình. Ngặt nỗi, bố mẹ ông lại không có đủ số tiền cần thiết. May sao, mẹ ông có người em gái tốt bụng. Thấy chị trong lúc kẹt, bản thân mình thì chưa cần, bèn dốc hết vốn liếng cho chị mượn. Cơ ngơi được như ý, nhưng rồi chiến tranh loạn lạc, bố mẹ ông mãi không trả được khoản vay mượn cho người em. Cho đến lúc qua đời, bố mẹ ông vẫn còn ray rứt mãi. Trước lúc về với thế giới bên kia, ông bà trăn trối với mấy người con sau này cố gắng thay họ mà định liệu với dì cho phải đạo…

Thời gian trôi đi, những người con đã hưởng được quả ngọt từ cơ ngơi do bố mẹ họ tạo lập. Đó là sở nhà đất mặt tiền trên một tuyến đường trục sầm uất, tấp nập nhất của đô thị. Nhờ vậy mà làm ăn, mua bán đều thuận lợi và phát đạt. Lần lượt người này rồi người khác có gia đình riêng, rời đi ở nơi khác. Cơ ngơi cũ giao cho người anh cả là ông tiếp tục thừa hưởng. Anh em không ai ý kiến, chỉ đề xuất ông với tư cách thừa hưởng gia sản, trong đó có một phần vốn vay mượn của dì cố gắng thu xếp để tính toán dần, kẻo tội. Ông nghe, nhưng chỉ ậm ừ cho qua chuyện, hết năm này qua tháng khác mãi không chịu chi. Những người em bực lắm, nhưng nói ra thì mất hòa khí, nên lắm lúc cũng đành bấm bụng.

Cho đến dịp cao điểm là lúc con đường được nhà nước quy hoạch mở rộng. Chỉ riêng diện tích giải tỏa, phần đền bù đã gấp nhiều lần số vay mượn. Mấy người em biết, nhưng không đòi chia phần, chỉ nhắc khéo người anh về di nguyện của bố mẹ về khoản nợ với dì. Nhưng ông vẫn tảng lờ, quyết “không nhả”. Vậy là “chiến tranh”!

Trong nhà bây giờ cứ hễ có việc ngồi lại với nhau là y rằng có người nhắc chuyện cũ, và rồi là gây gổ, to tiếng. Thành ra cưới xin, kỵ giỗ, cho dù được mời, bà con xóm giềng vẫn rất ngại phải đến. Tình cảm anh em cũng vì thế mà sứt mẻ, chưa biết bao giờ mới có thể hàn gắn. Chẳng biết bố mẹ của họ dưới suối vàng có ngậm ngùi, có ân hận cho cái quyết định tạo lập cơ ngơi năm nào…

HÀN YÊN