Nhà máy của hãng Kyocera tại Việt Nam, nơi dự kiến sẽ tiếp nhận hoạt động sản xuất các máy in dành riêng cho thị trường Hoa Kỳ. Nguồn: Asian Nikkei Review

“Chúng tôi sẽ hoán đổi hoạt động sản xuất giữa các nhà máy của Trung Quốc và các nhà máy của Việt Nam”, Chủ tịch Kyocera Hideo Tanimoto nói với các phóng viên. Máy in all-in-one (tất cả-trong-một) được sản xuất tại Trung Quốc chủ yếu dành cho thị trường Hoa Kỳ, trong khi những máy in được sản xuất tại Việt Nam thường được dành cho thị trường châu Âu.

Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng cân nhắc và được công bố sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đăng thông tin trên tài khoản Twitter của mình về ý định áp thuế lần thứ tư đối với Trung Quốc. Các dòng máy in đa chức năng cũng nằm trong danh sách hàng hóa trị giá 300 tỷ USD sẽ bị áp mức tăng thuế 10% từ ngày 1/9.

Việc di dời các nhà máy sẽ được thực hiện từ nay cho đến tháng 3/2020, nhưng hãng sẽ phải thêm mất thời gian để điều chỉnh nguồn cung nguyên vật liệu và các quy trình khác. Chi phí cho việc di chuyển có thể lên tới hàng tỷ yên (1 tỷ yên tương đương 9,2 triệu USD).

Hãng cung cấp các giải pháp in ấn Kyocera đã thu về khoảng 375 tỷ yên (khoảng 40,7 tỷ USD) doanh thu trong năm tài chính trước đó, với khoảng 20% doanh thu đến từ thị trường Hoa Kỳ. Khi được hỏi về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đối với công việc kinh doanh, ông Tanimoto bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với nền kinh tế Trung Quốc.

“Suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi hơn so với mức thuế quan bổ sung”, ông nói. “Nếu lệnh trừng phạt thứ tư đối với Trung Quốc được thực thi, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị tác động”.

Anh Tuấn (Lược dịch từ Asian Nikkei Review)