Cách đây 1 tháng, bệnh nhân Chon sau khi ăn cá trê bị sặc thức ăn vào đường thở, ho sặc sụa. Ba tuần sau, bệnh nhân ho khạc ra máu nhiều nên người thân đưa đi điều trị ở các cơ sơ y tế ở Lào nhưng bất thành. Ngày 25/7, bệnh nhân được chuyển vào khoa Tai Mũi Họng, BV Trung ương Huế. Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết, hình ảnh CT Scan phổi thấy có biến chứng viêm phổi nghẽn, hình ảnh cản quang nghi ngờ dị vật ở nhánh phế quản B2. Bệnh nhân Chon đã được các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng và khoa Nội Nội tiết - Thần kinh - Hô hấp hội chẩn và quyết định lấy dị vật qua nội soi phế quản ống mềm.

Các y, bác sĩ thực hiện kỹ thuật lấy dị vật từ phổi cho bệnh nhân Chon. Ảnh: Lan Hương

Sáng 2/8, các bác sĩ Khoa Nội tiết - Thần kinh - Hô hấp đã lấy thành công dị vật phế quản là mảnh xương cá sắc nhọn cắm sâu vào nhánh phế quản B2 ở thuỳ trên bên phải, niêm mạc phế quản xung huyết, phù nề nhiều và rất dễ chảy máu.

Bác sĩ CK II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, người trực tiếp thực hiện nội soi lấy dị vật cho biết, việc lấy được dị vật đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, cẩn thận và có kinh nghiệm, phối hợp tốt với các bác sĩ ở các khoa liên quan.

Sặc dị vật đường thở là tình trạng cấp cứu, cần thực hiện thủ thuật Hemlick để tống dị vật ra khỏi đường thở, nếu không thành công cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa trong thời gian sớm nhất để tiến hành nội soi lấy dị vật.

Trường hợp bệnh nhân Chon là do dị vật phế quản bỏ quên, sau sặc dị vật, bệnh nhân nhầm là đã họ khạc ra ngoài nên không đến BV kiểm tra. Theo bác sĩ Hương, để phòng ngừa dị vật phế quản, nhất là với người già, trẻ nhỏ, phải  ăn uống, sinh hoạt cẩn thận; tránh các thói quen ngậm dụng cụ khi làm việc…

Tin, ảnh : Minh Trường