Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực vào đầu năm 2020. Nghĩa là còn một năm rưỡi nữa để chuẩn bị triển khai. Để Luật Phòng chống tác hại rượu bia điều chỉnh cho được hành vi của người dân, trong điều kiện của Việt Nam, phải nói là hết sức khó khăn. Điều kiện của Việt Nam liên quan đến việc này là gì? Đó là thói quen tiêu dùng của người dân. Là rượu bia bán với giá rất rẻ, có thể nói là phù hợp với túi tiền của phần lớn người dân. Đó là điều kiện buôn bán tương đối “cởi mở” – rượu bia bán ở khắp nơi, chả cấm kỵ một người nào. Và có thể nói đó là "văn hóa" – nó tham gia vào nhiều sinh hoạt cộng đồng: liên hoan, gặp mặt, tiếp khách, hiếu hỷ…; thậm chí là cúng kỵ người thân.

Chúng ta thử phân tích vài yếu tố xem thử nó như thế nào?

Không biết có đất nước nào bia rượu rẻ như Việt Nam không, chứ ở một số nước Đông Nam Á, châu Á mà người viết có dịp đến thì Việt Nam rượu bia rẻ nhất. Cách đây gần chục năm, tại Singapore, một lon bia (bất kỳ bia gì) đã là 5 đô Singapore (qui đổi chừng 75 ngàn đồng tiền Việt). Tại Malaisia cũng vậy. Tại Siemreap (Campuchia) một chai bia Angko là 1,5 đô la Mỹ. Rẻ nhất là ở Lào, một chai bia Lao cũng phải 10 kíp, qui ra chừng 27 - 28 ngàn đồng tiền Việt… Còn Việt Nam, một chai bia Huda (vỏ chai màu nâu) có giá bán tại quán chỉ 8.000 đồng, tại đại lý hoặc những quầy bán sỉ còn rẻ hơn.

Bia rượu là một trong những chất gây nghiện. Người dân uống hàng chục năm trời, từ rượu là phổ biến chuyển qua uống bia là phổ biến; từ bia hơi tự chế thời bao cấp (ở Huế có thương hiệu bia C), đến bia nhà máy sản xuất đàng hoàng… không dễ gì người dân bỏ thói quen này. Người dân quen đến nỗi, hễ cứ gặp nhau, tiếp khách… thậm chí là giao dịch làm ăn là phải có bia. Từ “lịch sử bia rượu” như vậy, lại được tiếp sức bởi giá cả quá rẻ, thậm chí là khuyến khích bằng các “lễ hội bia”… giờ điều chỉnh hành vi này quả là không dễ.

Giờ chúng ta xem xét về yếu tố văn hóa thử như thế nào? Ví dụ như ở Malaysia, phần lớn người dân là theo đạo Hồi, mà đạo Hồi cấm người theo đạo sử dụng bia rượu nên người dân rất ít tiêu dùng mặt hàng này. Còn ở ta, trong rất nhiều sinh hoạt cộng đồng của người Việt là có liên quan đến bia rượu. Chợ tình Sapa mỗi lần họp là đàn ông ngất ngây rượu ngô với thắng cố. Uống khi nào say mèm mới thôi. Chúng ta chắc hẳn một lần thấy hình ảnh này: mỗi khi tan chợ, có không ít đức ông chồng vắt vẻo trên lưng ngựa vì say. Phía trước là người vợ dắt ngựa về nhà. Tiệc cưới bây giờ đố mà thiếu bia rượu. Cúng kỵ ông bà cũng vậy… Có thể nói, bia rượu đã “đi vào tiềm thức” của người dân Việt. Bỏ trong một sớm một chiều là khó!?

Sử dụng bia rượu ở mức độ vừa phải thì có thể tốt cho sức khỏe, nhưng còn một vế khác của vấn đề. Tại sao họ điều chỉnh được hành vi của người dân nước họ hạn chế bia rượu, còn mình thì không? Đây là một câu hỏi phải tìm cho được cách trả lời, chứ không thể dễ dàng nói một cách chung chung là “để đưa luật vào cuộc sống là hết sức khó khăn”.

Cách họ hạn chế bia rượu của người dân là thế này. Lấy công cụ thuế ra mà điều chỉnh. Đánh thuế thật cao, thuế chồng lên thuế. Tức là đánh vào túi tiền của người sử dụng, làm cho người sử dụng cảm thấy xót khi bỏ tiền ra mua. Trong một gói thu nhập, không thể bỏ ra quá nhiều tiền cho nhu cầu này.

Thứ nữa, hành vi sử dụng bia rượu có thể bị phạt rất nặng. Ví dụ như khi lái xe. Ở Mỹ, dù chỉ uống một chai bia thôi mà lái xe, khi bị phát hiện sẽ tước bằng lái vĩnh viễn. Mà ở Mỹ chứ đâu phải như ở Việt Nam, có khi giữa nhà ở và nơi làm việc cách nhau cả tiếng đồng hồ chạy xe trên đường cao tốc. Không được lái xe là coi như bị “chặt chân” cho nên người dân rất sợ.

Bia rượu không phải nơi nào cũng bán được. Nó là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Ai mà bán rượu bia cho trẻ vị thành niên là bị phạt nặng… Có những nước quy định định mức bia được bán cho một người, chủ quán mà bán vượt định mức cũng bị phạt. Từ những biện pháp như vậy, trải qua một thời gian dài, họ đã điều chỉnh được hành vi của người dân nước mình.

Thanh Lê