Cậu bé ngồi giữa anh và chị (con trai và con gái vợ chồng bạn tôi). Chỉ “nhỉnh” hơn em 2 tuổi, nhưng cô chị rất ra dáng người lớn, chăm sóc em từng tí. Cậu bé khá tròn trĩnh, nên cô chị “canh”, không cho em gọi những món ăn, uống nhiều dầu mỡ, đường, sữa. Còn “ông anh” (mới đỗ vào đại học năm nay) thì kiên nhẫn giải thích cặn kẽ mọi thắc mắc của cậu em, hướng dẫn em đủ thứ.

Bạn “khoe”, chị gái chiều em lắm. Có hôm đã khá muộn, nhưng cậu em đói bụng muốn ăn bánh, chị (vốn giỏi làm nhiều loại bánh) cũng dậy làm cho em, lại còn gia giảm nguyên liệu để em ăn ngon miệng mà không bị béo. “Bố của cháu không may bị bệnh, mất từ lúc cháu mới là bào thai 4 tháng tuổi trong bụng mẹ. Ông bà ngoại già yếu không giúp được gì nhiều, thương cháu, thương em dâu quá, chị gái của chồng em bỏ công việc buôn bán ở quê, vào TP. Hồ Chí Minh chăm sóc từ lúc cháu lọt lòng mẹ, luôn một lèo đến năm cháu 2 tuổi mới trở về quê với chồng, con”. Tôi “mắt tròn mắt dẹt”. Bạn giải thích, lúc đó các con của chị chồng bạn cũng đã lớn. Chị lại nhận được sự sẻ chia, thông cảm, ủng hộ của chồng. Chồng chị là giáo viên, sống tình cảm, nhân hậu. Và dù khoảng cách địa lý xa xôi, chồng của bạn cũng thường xuyên theo sát bước chân non nớt của đứa cháu.

“Công việc của em dâu, bận từ sáng sớm đến tối mịt. Một mình nuôi con rất vất vả,  nhưng em dâu vẫn thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi cha mẹ chồng. Khi cháu còn nhỏ, vài năm em dâu lại cố gắng đưa con về, để cu Trâu (tên gọi thân mật ở nhà của cậu bé) biết quê cha đất tổ, sống cùng ông bà nội, những người thân bên nội. Năm nay chỉ cần mẹ đưa đến sân bay làm các thủ tục, cu Trâu tự “bay” ra. Vợ chồng em đón cháu ở Huế, đưa cháu về quê chơi hơn 20 ngày nay. Cháu còn nhỏ tuổi mà tình cảm và sâu sắc lắm”. Bạn kể.

Nhà vợ chồng bạn ở ngay trung tâm TP. Đông Hà, dù sao cũng nhộn nhịp và có “nhiều trò” để chơi hơn, nhưng cu Trâu “xếp lịch” trước tiên là phải về quê (cách Đông Hà 30km) ở với nội 1 tuần. Ngày nào ông nội cũng dắt cu Trâu ra mộ thắp hương cho người cha mà cháu chỉ biết mặt qua tấm ảnh. Lên nhà bác ở Đông Hà chơi vài hôm, cu Trâu lại đòi về quê để tranh thủ gần nội thêm vài ngày trước lúc trở vào với mẹ. Bạn nói, vợ chồng bạn, những người thân bên nội rất cảm ơn em dâu, vì cô ấy đã nuôi dạy cu Trâu thành một đứa trẻ lễ phép, tình cảm, hiếu thảo.

Cũng đúng thôi. Khi mỗi thành viên gia đình bạn không chỉ dành tình yêu thương mà còn biết suy nghĩ, có trách nhiệm, hy sinh vì nhau, thì việc tạo ra một “tế bào xã hội” tuyệt vời là lẽ hiển nhiên.

Quỳnh Anh