Ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tình hình giải ngân vốn đầu tư cũng chẳng khả quan là mấy. Theo số liệu công bố, tính đến hết tháng 5, TP. Hà Nội giải ngân chỉ đạt 15,3% kế hoạch vốn giao. Thành phố này cho biết, dự ước đến hết tháng 6 tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 31% (chưa có số liệu công bố mới nhất nhưng chỉ sau một tháng, tỷ lệ giải ngân tăng 15% là một con số khó có thể hình dung được). Thậm chí, đối với nguồn vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố, đến cuối tháng 5/2019 có đến 10 đơn vị giải ngân 0% (tức là không giải ngân được đồng nào).

Đối với  TP. Hồ Chí Minh, tình hình giải ngân vốn đầu tư cũng không khả quan là mấy. Tính đến hết tháng 5, tổng số vốn đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước TP chỉ đạt 15% tổng kế hoạch vốn do UBND TP giao, đạt 13,5% so với chỉ tiêu được Trung ương giao. Dự kiến đến hết tháng 6 cũng chỉ giải ngân đạt 33,2 %.

Còn theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 6/2019, cả nước giải ngân vốn xây dựng cơ bản mới đạt 32,4 %, thấp hơn cùng kỳ năm 2018.

Trong bối cảnh chung như vậy, Thừa Thiên Huế nằm tại điểm nào trong biểu đồ giải ngân vốn đầu tư công so với cả nước?

Tại cuộc họp phiên thường kỳ tháng 7/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 30/7/2019, tổng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2019 toàn tỉnh là 22.700 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2019, thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh đạt 9.950 tỷ đồng, đạt gần 44% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt khá, 53%.

Nếu so sánh với nhiều địa phương trong cả nước và tốc độ giải ngân trung bình của quốc gia, có thể nói Thừa Thiên Huế tạm hài lòng với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của mình. Nếu có điều gì đó băn khoăn là ở chỗ, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh là nhỏ so với nhiều địa phương trong cả nước, chính vì vậy mà một đồng vốn đầu tư phải được mong muốn thực hiện đúng tiến độ để sớm phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trong những nguyên nhân chung mà địa phương nào cũng vướng phải làm cho tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chậm như giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, thì ở Thừa Thiên Huế có một nguyên nhân được nhìn nhận thấu đáo là năng lực nhà thầu còn nhiều bất cập. Hiểu một cách khác là nhiều nhà thầu năng lực còn hạn chế nhưng vẫn trúng thầu. Điều này có thể dẫn đến một số hệ quả như “sinh ra nhiều B” làm cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thêm phần phức tạp. Một khi đã nhiều B thì đồng nghĩa với việc tăng chi phí, nếu công tác giám sát không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cái mà trên một số diễn đàn trước đây chúng ta thường hay nghe tới là thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Riêng về nguyên nhân giải phóng mặt bằng, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thì đây là “nguyên nhân chủ yếu nhất”. Chính vì vậy phải tập trung, thậm chí là huy động cả hệ thống chính trị để làm tốt hơn công tác này.

Nguyên Lê