Cán bộ BCH Quân sự thị xã Hương Trà kiểm tra số vật liệu nổ thu giữ được

Thủ phạm “thầm lặng”

Năm 2018, Hương Trà không xảy ra cháy rừng, nhưng thời gian qua, do thời tiết nắng nóng kéo dài, cháy rừng liên tiếp xảy ra tại các xã, phường có rừng thuộc Hồng Tiến, Hương Thọ, Hương Vân, Hương Hồ…

Gần 55% diện tích tự nhiên của Hương Trà là rừng, với hơn 28 ngàn ha. Đa phần các diện tích rừng ở xa khu dân cư, trải dài trên địa bàn rộng; từ xã biển Hải Dương đến xã miền núi Hồng Tiến, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn nên việc đi lại khó khăn. Bên cạnh thảm thực bì dưới tán rừng dày, các diện tích rừng tự nhiên hầu hết là rừng nghèo với nhiều cỏ tranh, lau lách, bụi rậm; nhiều khu vực còn sót bom mìn, vật liệu nổ nên khi thời tiết nắng nóng rất dễ gây cháy.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX. Hương Trà, ông Ngô Hữu Phước cho hay: Tại những vùng đồi núi thuộc các xã Hương Bình, Bình Điền, Hồng Tiến và khu vực đồi Tibon thuộc địa bàn xã Hương Chữ hiện vẫn còn sót nhiều bom đạn, nhất là đạn lân tinh (đạn phốt pho trắng). Đạn lân tinh nằm dưới lòng đất, hàng năm do mưa lũ làm rửa trôi, bào mòn đất mà phát lộ.

Loại này có đặc điểm là khi có không khí nóng sẽ tự phát lửa bốc cháy, gặp lớp thực bì dày sẽ bùng phát gây cháy rừng. Hầu như năm nào, Hương Trà cũng xảy ra cháy rừng do đạn lân tinh. Việc chữa cháy ở khu vực có bom đạn, vật liệu nổ rất khó khăn. Người chỉ huy phải rất thận trọng, nhiều lúc phải chấp nhận mất một số diện tích rừng để đảm bảo an toàn tính mạng cho lực lượng tham gia chữa cháy.

“Năm 2014, khi chữa cháy ở khu vực đồi Tibon, chúng tôi gặp đạn phát nổ rất lớn, cấp trên đã yêu cầu rút ra và rất may chưa có thiệt hại về người”, ông Phước kể.

Cần kinh phí lớn

Theo thống kê của Ban chỉ huy (BCH) Quân sự thị xã, tính riêng từ đầu năm đến nay, đã phát hiện thu giữ ở khu vực rừng núi Hương Trà 350kg vật liệu nổ các loại, 30 quả đạn (pháo 105mm; cối 81, 61; lựu đạn, M79, đạn lân tinh…).

Thượng tá Dương Văn Đức, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự TX.Hương Trà thông tin, hiện có 90% diện tích ở khu vực đồng bằng của Hương Trà và các diện tích rừng có xây dựng công trình như lâm trường, trạm bơm, mỏ đất đá… đã được hiệp đồng với các đơn vị để tiến hành rà phá bom, mìn, vật liệu nổ. Còn đại đa số diện tích rừng (từ rừng giao cho dân, rừng do dân tự khai hoang, rừng của Nhà nước…) đều chưa thể rà phá do diện tích lớn, nếu thực hiện sẽ cần một nguồn kinh phí khổng lồ.

“Lâu nay, việc phát hiện các vật liệu nổ đa phần do người dân đi khai thác rừng hoặc các đơn vị xây dựng công trình phát hiện, báo cho các cơ quan chức năng để kiểm tra, tháo dỡ, xử lý. Tuy nhiên, bất cập là các đơn vị khi xây dựng các công trình thay vì phối hợp với cơ quan quân sự hoặc cơ quan chức năng để thực hiện công tác rà phá bom mìn, thì lâu nay, việc này vẫn ít được quan tâm. Mặt khác, việc tháo dỡ, vận chuyển vật liệu nổ đều do BCH Quân sự thị xã tự lo chứ đơn vị không được hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện”, ông Đức nói.

Thời tiết nắng nóng vẫn còn diễn biến phức tạp. Thời điểm này, công tác canh gác, tuần tra và đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng đang được thị xã đặt lên hàng đầu. Trước mắt, để hạn chế các vụ xảy cháy do vật liệu nổ, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân cần được chú trọng.

"Chúng tôi yêu cầu các chủ rừng, hộ có rừng trồng, nhất là những đối tượng thường xuyên vào rừng nhặt phế liệu bên cạnh việc chủ động các phương án phòng chống cháy rừng, nếu phát hiện vật liệu nổ cần báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý", Chỉ huy trưởng BCH Quân sự TX.Hương Trà thông tin.

Bài, ảnh: Liên Minh