Chăm sóc, điều trị bệnh nhân bị đột quỵ não tại Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Huế

Mới đây, bà NTT. (65 tuổi, P. Hương Sơ, TP. Huế) qua khỏi tình trạng "thập tử nhất sinh" và ổn định sức khỏe sau khi vào cấp cứu tại Khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế. Khi vào đây, bà T. rối loạn ý thức, liệt nửa người bên trái, tính mạng bị đe dọa. Sau khi chụp CT và MR, xác định bà T. bị tắc động mạch máu não bên phải. Bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp, chọc kim tái thông mạch máu trong vòng 40 phút kể từ thời gian bắt đầu vào viện. Sau một tuần điều trị, bà T. tỉnh táo, đi lại bình thường.

"Khi nhập viện người thân trong gia đình thầm nghĩ bà T. sẽ không qua khỏi. Như một phép mầu, bà T. đã bình phục sức khỏe nhờ các y, bác sĩ ở đây điều trị, chăm sóc kịp thời". Người nhà bà T. chia sẻ.

Mới đây, anh HTA. 50 tuổi khởi phát đột quỵ lúc 8h sáng, sau đó được người thân đưa đến cấp cứu tại BV Trung ương Huế lúc 8h30 phút trong tình trạng rối loạn ý thức, liệt tứ chi. Chỉ trong 20 phút đầu kể từ khi vào viện, với chủ công là các y, bác sĩ tại Khoa Đột quỵ, bệnh nhân được chụp CT - Scan sọ não và được truyền thuốc làm tan máu đông lúc 8h49phút. Sau 10 phút can thiệp, bệnh nhân phục hồi dần. Đây chính là kết quả ngoài mong đợi nhờ sự phối hợp đồng bộ nhanh chóng của các y, bác sĩ liên khoa mà nhiều người gọi quy trình "kích hoạt" cứu sống bệnh nhân ĐQN ngoạn mục, do GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế khởi xướng hơn 1 năm qua.

Tại Khoa Đột quỵ, điều cảm nhận đầu tiên là không gian yên lặng. Nhiều phòng chức năng điều trị tại đây chỉ hiện diện các y, bác sĩ và bệnh nhân. Việc chăm sóc bệnh nhân từ vệ sinh đến thuốc men, ăn uống đều do đội ngũ y, bác sĩ ở khoa đảm trách. Người nhà bệnh nhân chỉ được vào thăm bệnh nhân theo y lệnh của y, bác sĩ.

Theo bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, Phó Trưởng khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế, ĐQN có thể chia thành 2 loại là xuất huyết não và nhồi máu não. Nhồi máu não có tỷ lệ cao hơn, chiếm khoảng 80-85%, xảy ra do tình trạng tắc mạch não. Khi bệnh nhân có triệu chứng ĐQN nên đến ngay BV trong thời gian sớm nhất để đảm bảo "giờ vàng". Bệnh nhân đến viện trong "giờ vàng" là 3-4,5 giờ kể từ khi xuất hiện bệnh thì có thể được áp dụng các liệu pháp điều trị tái thông mạch máu bằng thuốc. Nếu phương pháp này thất bại có thể chuyển sang can thiệp nội mạch lấy huyết khối, nhưng phải đảm bảo trong thời gian không quá 6 giờ đầu. Cả hai biện pháp trên đều không thể áp dụng nếu bệnh nhân đến muộn. Ngoài ra có một số trường hợp có thể mở cửa sổ điều trị đến 24 giờ, tuy nhiên hiệu quả điều trị thấp hơn.

"Hiện nay, quy trình "kích hoạt" cấp cứu ĐQN tại BV Trung ương Huế đã hoàn thiện rút ngắn tối đa thời gian cấp cứu cho bệnh nhân. Từ lúc nhập viện đến khi bệnh nhân được chọc kim truyền thuốc tái thông mạch máu hoặc trong trường hợp có chỉ định can thiệp lấy huyết khối thì thời gian trung bình dưới 1giờ. Nếu bệnh nhân đến càng sớm thì khả năng cứu sống và hạn chế được di chứng càng cao". Bác sĩ Huỳnh nói.

Khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế nằm vị trí khá thuận lợi, cạnh các Khoa Ngoại, nội thần kinh, Phòng Phẫu thuật, hồi sức - nơi có trang bị máy móc hiện đại như DSA, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT... Điều này tạo sự thuận lợi trong di chuyển bệnh nhân, ứng cứu kịp thời trong mọi trường hợp ĐQN. Với quy trình "kích hoạt" cứu chữa bệnh nhân ĐQN được BV Trung Huế triển khai từ 2015, sau đó áp dụng thường quy vào năm 2018. Gần 1 năm nay, sau khi thành lập Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Huế tiếp nhận gần 2 nghìn trường hợp và phần lớn đều được cấp cứu điều trị mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu tử vong, phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

"Hiện, BV Trung ương Huế đã xây dựng Trung tâm Đột quỵ theo tiêu chuẩn mô hình trung tâm toàn diện phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị bệnh nhân ĐQN. Làm sao để bệnh nhân nhập viện sớm trong "giờ vàng", đúng địa chỉ và được áp dụng các biện pháp cấp cứu kịp thời, rút ngắn thời gian trì hoãn ngoại viện. Đây là bài toán cần phối hợp nhiều ban ngành, đơn vị để bệnh nhân ĐQN có cơ hội hồi phục, hạn chế tử vong và các di chứng để lại". GS.TS. Phạm Như Hiệp nói.

ĐQN là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng nhận thức.

Hiện nay, bệnh nhân ĐQN ngày càng tăng. Trên thế giới, tử vong do ĐQN đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Những người thoát khỏi tử vong, thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác, tâm thần cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội… Vì vậy, khi phát hiện bệnh nhân bị ĐQN cần chuyển sớm đến các cơ sở điều trị chuyên sâu, tận dụng được "giờ vàng" trong điều trị.

Bài, ảnh: Minh Văn