Nhân câu chuyện này, tôi nhớ cách nay khoảng gần 40 năm trước. Lúc đó, tôi còn là học sinh nội trú chuyên văn ở Trường cấp 3 Trưng Trắc (nay là Trường THPT Hai Hà Trưng). Bấy giờ vào ban đêm ở công viên trước mặt trường, buổi tối thường có những quán hàng rong bán đồ ăn vặt, đặc biệt là chè. Thiếu ánh sáng điện, các gánh chè hàng rong thường có chiếc đèn dầu le lói. Một hôm anh bạn cùng lớp rủ, tối nay ai có nhu cầu ăn chè thì theo mình.

Thời buổi đói cơm, đứa mô nghe rủ mắt cũng tròn xoe, bán tín, bán nghi nhưng thèm quá nên cũng quyết “liều”. Ra tới công viên, anh bạn thân nói nhỏ, tụi bây ăn xong lặng lẽ mà đi, còn lại để đó. Tội nghiệp cho o bán chè. Thấy khách ngồi vây quanh mà mừng thầm, lo lúi húi múc chè, không kịp nhìn. Thì ra, cả bọn “tuân chỉ”, đứa nào ăn xong cũng lẳng lặng đứng dậy. Còn lại thằng bạn, hắn dở quẻ tỉnh bơ, đứng dậy cuối cùng, trả tiền đàng hoàng đúng 2 ly chè mình vừa ăn và bảo không quen biết chi mấy đưa tê cả. O bán chè ngơ ngác trong đêm tối…

Trở lại câu chuyện ẩm thực. Việt Nam có khoảng 3.000 món ăn thì xứ Huế đã có tới 1.700 món ăn nên các nhà nghiên cứu văn hóa Huế đã trao tặng cụm từ ưu ái “Tinh hoa hội tụ”. Không chỉ nổi tiếng có nhiều món ăn và món ngon, món đẹp mà ẩm thực Huế còn khiến bao lòng người da diết nhớ về hình ảnh gánh bún rong, gánh chè rong, gánh đậu hũ rong hay mẹc bánh bán dạo. Gánh hàng rong đã trở thành hình ảnh tượng trưng trong văn hóa Huế và gây ấn tượng mạnh với du khách nước ngoài bởi nét truyền thống, cổ xưa mà họ khó có thể tìm thấy ở những thành phố khác trên thế giới.

Thế nhưng, gần đây là câu chuyện về ẩm thực đường phố ở Huế, lại có cả điều hay và không ít những chuyện phiền toái khi nó đang như một “dịch bệnh” tràn lan khắp nẻo. Dự định cho phép người hàng rong vào kinh doanh ở công viên Thương Bạc, một trong những mục tiêu mà các nhà quản lý hướng tới là để giảm tải cho tình trạng kinh doanh trên vỉa hè, lề đường, gây nhếch nhác mỹ quan đô thị. Còn về lâu dài, đó là ý tưởng xây dựng khu phố ẩm thực bên công viên Thương Bạc và làm sống động không gian đêm ở bờ Bắc sông Hương gắn với Đại Nội đêm đã có từ lâu, góp phần giữ du khách ở lại Huế lâu hơn.

Vỉa hè và đường phố khác với công viên. Mang ý nghĩa nhân văn, công viên là khu vực được bảo vệ các nguồn thiên nhiên tự có hay trồng, một nơi vui chơi đại chúng, bảo đảm cho mọi lứa tuổi có thể tìm được không gian thư giãn yên tĩnh. Ở Huế, đã có không ít nơi hàng quán bày bán cả trên vỉa hè, lấn chiếm lối đi dành cho người đi bộ, thậm chí lấn xuống lòng đường là chuyện “biết rồi, khổ quá, nói mãi”. Còn với công viên, liệu với chuyện ăn uống rình rang, nơi đây có còn là không gian thư giãn đúng nghĩa nữa không. Ông cha ta xưa có câu “Ăn có nơi, chơi có chốn” đó mà.

ĐAN DUY