Theo những người dân trong làng, ngôi miếu này tồn tại rất lâu, có từ thời “khai canh lập ấp”. Mỗi năm, vào độ xuân thu, người dân lại tề tựu về đây tổ chức lễ tế một cách thành kính, với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho cuộc sống của người dân trong vùng đủ đầy, ấm no hạnh phúc. Khi chính quyền địa phương thông báo việc đền bù một phần đất ngôi miếu sẽ bị đập bỏ, người dân rất bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình họp bàn bạc về việc dỡ bỏ ngôi miếu để mở rộng đường, hầu hết 500 hộ dân trong vùng không được tham gia, chỉ có cán bộ cốt cán của chính quyền, thôn trưởng, xóm trưởng và duy nhất 1 người dân có mặt.

Hàng năm, dân làng đến tổ chức lễ tế ở ngôi miếu này cầu mưa thuận gió hòa

Ông Hồ Văn Ninh (54 tuổi, người dân có mặt tại buổi họp) cho hay, buổi chiều hôm đó lúc đi làm về, ông nghe loa phát thanh thông báo về cuộc họp. Có lẽ thông báo chưa rõ ràng, nên không có người dân nào đến tham dự. Tại buổi họp, khi nghe ngôi miếu sẽ bị phá bỏ để mở đường, ông Ninh có ý kiến không nhất trí và đề xuất chính quyền địa phương nên tổ chức họp với những người lớn tuổi, các họ tộc ở địa phương để bàn bạc lại. Tuy nhiên, sau đó, chính quyền vẫn có thông báo về số tiền đền bù là 70 triệu đồng.

Đối với việc mở rộng con đường nói trên, người dân cho rằng, con đường này trước đây vốn thông ra bãi biển, rất tiện cho người dân ra biển đánh bắt hoặc sinh hoạt. Vậy nhưng, từ khi chính quyền địa phương giao đất cho dự án của một thương nhân người Pháp, khu nhà hàng khách sạn được xây dựng, lối ra biển bị bít kín. Con đường “bỗng dưng” chạy thẳng vào khu resort. Người dân ra biển sinh hoạt, làm ăn phải đi vòng bằng một con đường khác, xa hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, con đường mà xã đang mở rộng, ở phía cuối đường đã bị chặn, dân không thể ra biển được, đã trở thành đường “cụt” thì mở rộng làm gì?

Theo ông Nguyễn Văn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, việc mở đường là theo quy hoạch nông thôn mới, để dân đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế, tránh tai nạn giao thông. Kinh phí cho việc này do tỉnh, huyện cấp. Có 6 trục đường trong xã phải mở, nhưng do chưa đủ kinh phí, nên trước mắt chỉ mở rộng con đường bên hông ngôi miếu. Việc dân phản ánh, chính quyền không tổ chức họp dân triển khai về việc mở đường, phá miếu là không đúng. Chính quyền đã tổ chức liên tiếp 3 cuộc họp dân, tuy nhiên không hiểu vì sao, người dân không đến họp.

Mặt khác, ngôi miếu vốn chỉ là di tích tâm linh của người dân trong vùng, chứ chưa có cấp nào công nhận. Để giải phóng mặt bằng làm đường, xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng một phần đến ngôi miếu là đều không thể tránh khỏi. Nếu ngôi miếu bị xâm phạm, chính quyền địa phương sẽ bố trí một khu đất mới, để người dân xây miếu, đảm bảo việc lễ tế của người dân.

Chính quyền bảo tổ chức mà dân không đến họp, còn người dân lại cho rằng không được thông báo. Tìm hiểu sự việc này, mới hay ban đầu xã chỉ mời thôn trưởng, cụm trưởng đến họp, giao cho những người này thông báo lại đến từng hộ dân. Trước việc người dân không đồng tình, chính quyền đã tổ chức một buổi họp để người dân cùng bàn bạc, đưa ra ý kiến. Sau buổi họp, chính quyền địa phương đã cân nhắc theo ý kiến, nguyện vọng của người dân.

Sự việc nêu trên chứng tỏ ngay từ đầu giữa chính quyền và người dân chưa có sự “gặp gỡ” bởi cách làm chưa thấu đáo. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu chính quyền và người dân có “tiếng nói chung”, làm theo quy định của pháp luật, phù hợp đạo lý, thì mọi việc sẽ suôn sẻ. Mới đây, trao đổi qua điện thoại, ông Chường cho hay, hiện địa phương đang điều chỉnh tuyến, giải tỏa phía các hộ dân để mở rộng con đường, không phải phá bỏ ngôi miếu nữa.

Bài, ảnh: Duy Trí-Linh Chi