Trường THPT chuyên Quốc Học là mơ ước của nhiều thế hệ học sinh. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Chất lượng giáo dục tuyệt vời khiến cho bao phụ huynh đặt mục tiêu phấn đấu cho con phải trở thành học sinh Quốc Học.

Mê “lò” Quốc Học

Không phải là trường chuyên nhưng sau năm 1975, Quốc Học là trường phổ thông trung học có hệ chuyên sớm nhất miền Nam, bắt đầu là lớp chuyên toán được thành lập từ năm học 1976 -1977. Bấy giờ, nhắc đến Quốc Học, bao thế hệ tự hào khi một thời nổi tiếng với môn học đỉnh cao là toán có đủ các màu huy chương trên đấu trường quốc gia và quốc tế.

Chỉ trong 7 năm (1978 - 1983), học sinh Quốc Học nổi đình, nổi đám ở các kỳ thi Olympic Quốc tế môn toán với các tên tuổi, như Hồ Đình Duẩn, Huy chương đồng 1978; Lê Bá Khánh Trình, giải đặc biệt năm 1979; Ngô Phú Thanh, huy chương bạc năm 1982; Nguyễn Văn Lượng, huy chương bạc và Hoàng Ngọc Chiến, huy chương đồng năm 1983. Chưa kể đến cái tên Lê Tự Quốc Thắng, huy chương vàng năm 1982, vốn xuất thân từ “lò” Quốc Học, chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh năm 1981. Bấy giờ, năm nào cũng có học sinh giỏi toán Quốc Học đạt giải quốc tế.

Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học trong một tiết học. Ảnh: HỮU PHÚC

Sau chuyên toán, các lớp chuyên vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp lần lượt ra đời. Ngày 14/9/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định chuyển Quốc Học thành trường THPT chuyên. Học sinh Quốc Học lại tiếp tục được xướng danh khi Đinh Anh Minh giành huy chương vàng Olympic vật lý Quốc tế lần thứ 41; Trương Đông Hưng, huy chương vàng Olympic sinh học Quốc tế năm 2017; Nguyễn Huy Hoài Lâm, Huy chương đồng tin học quốc tế năm 2017... Từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến nay, trường có gần 20 huy chương Olympic Quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có đến 11 huy chương của kỳ thi Olympic Quốc tế.

Chất lượng đào tạo của Quốc Học là tuyệt vời. Nó khiến cho bao phụ huynh mê đến mức dồn sức đầu tư, thúc đẩy con em phải cố đủ điều kiện để vào “lò” Quốc Học ngay từ những năm đầu đời đi học. Mỗi mùa tuyển sinh, số thí sinh đăng ký dự thi cao đến 4 - 5 lần so với chỉ tiêu trúng tuyển. Không chỉ học trò ở các trường trong tỉnh mà còn có các tỉnh lân cận, “cơm đùm gạo bới” vào Huế trọ học. Thế mới biết, để con có một “suất” vào Trường THPT chuyên Quốc Học là niềm mơ ước của bao người.

Không chỉ có hoa hồng

Học sinh trường chuyên luôn phải là “cánh chim đầu đàn”. Những em vào đội tuyển học sinh giỏi phải chịu thêm nhiều áp lực lớn. Mỗi khi đã vào đội tuyển, các em không được tụt hạng, không được đuối sức. Các em phải luyện ngày, luyện đêm chỉ cho một môn thi. Năm 2019, đội tuyển vật lý của Quốc Học gặt hái nhiều thành công. Mấy ai biết rằng, đằng sau những tấm huy chương ấy, các em đã ngày đêm vật lộn cùng trang sách. Đã có nhiều “chiến binh” không chịu nổi sức ép, đành bỏ cuộc khi ngày thi cận kề.

Thầy giáo Lê Quốc Anh, giáo viên dạy môn vật lý Trường THPT chuyên Quốc Học, tiết lộ: “Tìm được học sinh có kiến thức, tố chất đã khó, thuyết phục các em vào đội tuyển lại càng khó hơn. Nhiều giáo viên đã làm công tác “dân vận” khá tốt khi đã thuyết phục được nhiều học sinh có năng lực, còn chần chừ, tham gia các kỳ tuyển chọn học sinh giỏi”. 

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học, thầy giáo Nguyễn Phú Thọ cho rằng, sức của các em hiện không kham nổi và thực tế, địa phương đã và đang thiếu những học sinh có tố chất để học xuất sắc được môn toán. Đó cũng là tình hình chung của nhiều lớp chuyên, đặc biệt là các ngành học khoa học tự nhiên. 

Mỗi năm, các trường chuyên, trong đó có Quốc Học chỉ có một đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia từ 8 - 10 em ở mỗi bộ môn. Những học sinh này phải mất từ 11 - 12 năm phấn đấu, rèn luyện để trở thành thành viên của đội tuyển tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Chỉ tính riêng năm 2019, Thừa Thiên Huế có 80 học sinh tham gia giải quốc gia, trong đó, chỉ khoảng trên 60% trong số này có giải, kể cả giải khuyến khích. Thế nhưng, học sinh phải đoạt từ giải ba quốc gia trở lên mới được tuyển thẳng. Chính điều này khiến học sinh và phụ huynh phân vân, dẫu biết rằng, được chọn vào đội tuyển là trọng trách và tự hào.

Thương hiệu của học trò Quốc Học khiến nhiều trường có danh tiếng săn lùng. Những em đạt giải con đường đại học rộng mở, nhưng những em không đạt giải, con đường vào đại học bỗng chốc gập ghềnh, khi các môn còn lại phải ôn luyện trong thời gian quá ngắn. Các em học những môn xã hội, cánh cửa du học gần như đóng kín. Học sinh theo khối tự nhiên, việc chọn một trường đại học tốt cũng không dễ. Đây cũng là lý do khiến năm học 2018 - 2019 có đến hơn phân nửa học sinh lớp 11 tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, tăng hơn trước, cho thấy nhiều học lớp 12 đã không “mặn mà” với kỳ thi mà có người chua chát gọi là “chọi gà” này.

HUẾ THU

(còn nữa)