Tăng đột biến ở nhiều địa phương

Chủ động phun hóa chất diệt muỗi ở các nhà mẫu giáo xã Lộc Thủy, Phú Lộc

Với phương án phòng ngừa và kiểm soát tốt, 6 tháng đầu năm 2019 huyện miền núi Nam Đông không để xảy ra dịch bệnh. Thế nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, ở địa phương này xuất hiện hơn 30 trường hợp mắc SXH; trong đó, thị trấn Khe Tre chiếm 24 trường hợp, số còn lại tập trung ở xã Hương Lộc (cạnh thị trấn Khe Tre).

Trao đổi thông tin với bác sĩ Phạm Ngọc Mai, Phụ trách Trạm Y tế thị trấn Khe Tre được biết, địa phương rất quan ngại về SXH vì số người mắc tập trung trong tháng 7 vừa qua và hiện có gần 10 trường hợp đang điều trị tại BV huyện Nam Đông.

"Với quan điểm không có loăng quăng/bọ gậy là không có SXH, cán bộ TYT phối hợp ban ngành địa phương mở các chiến dịch truyền thông giúp người dân nâng cao kiến thức trong phòng ngừa và khoanh vùng, phun hóa chất nhằm tránh lây lan", bác sĩ Mai nói.

Huyện Phú Lộc hiện đang là điểm nóng về SXH của tỉnh. Đầu năm 2019 đến nay, địa bàn có gần 120 trường hợp mắc SXH, nhất là từ đầu tháng 7 đến nay nhiều địa phương có SXH tăng cao như Lộc Bổn 33 trường hợp, Lộc Sơn 15 trường hợp, Lộc Thủy 13 tường hợp. Phần lớn các trường hợp này đều mang bệnh Lào về, do đó các ban ngành chức năng địa phương đang tăng cường tuyên truyền đến các khu dân cư nhằm thông tin đầy đủ về bệnh SXH cũng như cách thức phòng, ngừa.

Tại Phú Vang, nhiều người dân cũng lo lắng về SXH. Đây là địa phương hàng năm làm tốt công tác phòng dịch, song gần đây, xã Phú Đa, nằm ở trung tâm huyện lỵ đã rơi vào điểm nóng SXH với gần 40 trường hợp; trong đó có 32 trường hợp người làm ăn xa quê trở về.

Bác sĩ CK I Đăng Văn Tuấn, Phó Giám đốc TTYT huyện Phú Vang cho hay, Tuy đã chủ động nhưng cũng không chủ quan SXH ngoại lại. Khi nhận thông tin từ cơ sở, ngành y tế huyện tăng cường giám sát từng ca bệnh, tư vấn vận động người thân gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh lây chéo trong cộng đồng thôn xóm...,

Lãnh đạo CDC tỉnh kiểm tra và thăm các bệnh nhân SXH đang điều trị tại BV Nam Đông

Không để SXH bùng phát

Bác sĩ CK I Hồ Thư, Giám đốc TTYT huyện Nam Đông cho biết, đến nay SXH vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa hiệu quả. Bệnh này lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Khi tiếp nhận các trường hợp mắc SXH, đơn vị vừa cách lý vừa theo dõi, đồng thời khuyến cáo bệnh nhân ăn uống, sinh hoạt hợp lý, nhất là khi ngủ phải mắc màn, mặc áo dài tay kể cả ban ngày lẫn ban đêm nhằm tránh lây nhiễm chéo sang người khác.

Bác sĩ Thư khuyến cáo thêm, khi nghi ngờ mắc SXH cần phải đưa người bệnh đi xét nghiệm để xác định bệnh tình sớm để có hướng điều trị kịp thời. Không nên tự ý dùng kháng sinh bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên truyền dịch tại nhà, phòng ngừa biến chứng, có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong...

Khác với những năm trước, thời điểm đầu quý 3 này SXH có xu hướng gia tăng và phần nhiều là do ngoại lai. Thế nhưng những trường hợp ngoại lai đang điều trị địa phương có nguy cơ phát sinh nhiều ca bệnh nội tại, nếu không phòng ngừa kiểm soát tốt. "Khi nghe thông tin, chúng tôi lập tức có mặt tại địa phương có SXH xuất hiện để tìm hiểu, xử lý triệt để, không để thành dịch", bác sĩ Trần Quang Hợp, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc Phụ trách CDC tỉnh, thời tiết ở địa phương đang diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài và bắt đầu có những cơn mưa giông chiều là điều kiện để loăng quăng /bọ gậy phát triển, SXH dễ bùng phát.

Để tiếp tục phòng ngừa, khống chế hiệu quả SXH, ngoài chủ động nhân, vật lực của ngành y tế, các cấp chính quyền, người dân cần tích cực vào cuộc phối hợp phòng ngừa, vệ sinh môi trường ở cộng đồng dân cư, thau vét loăng quăng/bọ gậy tại các  đồ dùng, vật dụng chứa nước hạn chế sự sinh sôi của ruồi muỗi. Khi mọi người có hiện tượng sốt, nóng kéo dài phải đến cơ sở y tế kiểm tra, không nên điều trị tại nhà... 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xuất hiện gần 480 trường hợp mắc SXH; trong đó có hơn 160 trường hợp ngoại lai. Trong số trường hợp mắc này, từ đầu tháng 7 đến nay có hơn 160 trường hợp; trong đó có gần 100 trường hợp ngoại lai. Mặc dù SXH được khống chế không thành dịch nhưng ngành y tế không chủ quan, đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, trường học về công tác phòng, chống bệnh SXH từ tuyến tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị nhằm chủ động ứng phó với tình hình bệnh SXH có xu hướng gia tăng; tổ chức giám sát, phun hóa chất diệt muỗi tại các địa phương có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh...

Bài, ảnhMinh Văn