Cháu Hoàng Trung Tín (Tứ Hạ, Hương Trà) là thế hệ thứ 3 nhưng cũng bị phơi nhiễm chất độc hóa học
Gia đình ông Nguyễn Văn Mễ và bà Phạm Thị Miền ở thôn Dạ Lê Chánh, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy. Cả hai ông bà đều tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Mễ là nạn nhân chất độc da cam. Hai ông bà sinh được 1 người con năm nay đã ngoài 30 tuổi và cuộc sống “4 tại chỗ” trong chừng ấy năm trời. Hiện tại, với chế độ trợ cấp theo quy định, ông bà vẫn phải bươn chải với cuộc sống hàng ngày để sống và nuôi dưỡng đứa con tật nguyền. Không một lời kêu ca, phàn nàn và oán trách. Nhìn những thoáng buồn trên khuôn mặt của họ mới cảm nhận được nỗi đau khôn cùng mà họ đang gánh chịu.
Về thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương thủy lại cám cảnh thêm một gia đình nạn nhân chất độc da cam với nỗi đau gần như tuyệt vọng. Đó là gia đình ông Nguyễn Thanh Phước và bà Phạm Thị Nguyệt. Ông là bộ đội chiến đấu ở chiến trường A Lưới, là nạn nhân chất độc da cam; bà là cơ sở cách mạng nội thành, hiện chân, tay đều yếu, đi lại rất khó khăn phải chống gậy lần đi từng bước.
Hai vợ chồng sinh được 4 người con trai thì cả 4 người đều thiểu năng trí tuệ. Cháu đầu đã hơn 40 tuổi, cháu út hơn 16 tuổi, không biết giao tiếp là gì, chẳng biết đếm tiền, đếm số. Thi thoảng nở một nụ cười vô hồn, nặng trĩu. Ba anh, em đầu ngoài việc được cha, mẹ cho ăn, tắm rửa khi ở nhà, còn ngủ dậy là đi lang thang cho đến chiều tối mới về. Nhiều khi, người cha phải lặn lội đi tìm để con không bị lạc. Đứa con trai út thì nằm tại chỗ và chẳng nói được.
Một hoàn cảnh khác cũng rất đáng thương tâm, đó là gia đình bà Phạm Thị Loan và ông Phạm Đức Thịnh (đã chết) ở 83 Sóng Hồng, thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy. Ông tham gia chiến đấu trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học của quân đội Mỹ rải xuống miền Nam, là nạn nhân chất độc da cam và đã mất cách đây vài năm. Ông bà duy nhất được đứa con trai đầu là không bị tật nguyền, có lấy vợ nhưng chẳng có được một mụn con. Hai người con còn lại một nam, một nữ thì bị vừa câm, vừa điếc. Cháu trai câm lấy được vợ, sinh được cháu “nội đích tôn” thì lại vừa câm, vừa điếc, chân tay co quắp. Cháu gái không có chồng, năm nay đã ngoài 30 tuổi.
Tại tổ dân phố 5, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Hoàng Bời và bà Hoàng Thị Dãnh. Hai vợ chồng sinh được một cô con gái, lấy chồng và sinh được cháu trai là Hoàng Trung Tín. Oái ăm thay, cháu Tín là thế hệ thứ 3 nhưng cũng bị phơi nhiễm chất độc hóa học nên nằm co quắp tại chỗ. Tuổi đời khoảng 16, nhưng chỉ nặng trên, dưới 10 kg.
Bốn gia đình mà chúng tôi đến thăm với những đứa con do di chứng chất độc da cam để lại chỉ là một con số quá nhỏ so với 13.863 người bị phơi nhiễm trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Con số này lại quá nhỏ so với nạn nhân và những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đioxin trên cả nước Việt Nam.
Di chứng da cam và nỗi đau tinh thần, thể xác của nạn nhân và gia đình họ sẽ con dai dẳng đến bao giờ? Có ai khẳng định được rằng thế hệ thứ 4, thứ 5… sẽ không còn di chứng? Hãy chung tay, góp sức vì những nạn nhân chất độc da cam/đioxin và gia đình họ bằng những việc làm thiết thực.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU QUYẾT