Công ty Recruit cung cấp các thông tin cá nhân của những người đang tìm kiếm việc làm cho 38 công ty của Nhật. Nguồn: Asian Nikkei Review

Hãng sản xuất ô tô Honda là công ty đầu tiên được công khai danh tính trong số 38 công ty mua dữ liệu từ trang tìm kiếm việc làm Rikunabi. Phía hãng Honda khẳng định họ không sử dụng thông tin này để đưa ra các quyết định tuyển dụng và cũng không vi phạm luật pháp Nhật Bản về việc sử dụng thông tin cá nhân. “Dữ liệu chỉ được chúng tôi sử dụng để nắm tình hình các sinh viên tham gia hội chợ việc làm”, đại diện công ty cho biết.

Đại diện công ty cũng cho hay Honda đang xem xét các hành động tiếp theo, bao gồm cả việc giải thích tình hình cho những người tìm việc có dữ liệu cá nhân được mua, nhưng không nêu rõ có bao nhiêu người dùng bị ảnh hưởng.

Công try Recuit thu được lợi nhuận từ quảng cáo và phí thành viên khi cung cấp các dịch vụ kết nối các cá nhân với doanh nghiệp. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả dịch vụ này là một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của công ty.

Trang dịch vụ dữ liệu Rikunabi liên quan đến vụ bê bối là một phần của sáng kiến này. Trang web đã theo dõi các thông tin như lịch sử duyệt web của các công ty tuyển dụng tiềm năng của người dùng cá nhân và phân tích thông tin này để tính toán khả năng từ chối các đề nghị việc làm của họ.

“Vẫn còn nhiều tồn tại trong hoạt động quản lý nguồn nhân lực của các công ty. Chúng tôi muốn tận dụng công nghệ để giải quyết điều này”, Chủ tịch công ty ông Masumi Minegishi nói.

Nhưng sau khi Recruit bị phát hiện bàn giao thông tin quan trọng như vậy cho khách hàng bên ngoài mà không thông báo cho người dùng, công ty đã ngừng hoạt động dịch vụ dữ liệu. Công ty vẫn chưa làm rõ liệu họ đã bán thông tin tìm kiếm việc làm của bao nhiêu người.

Anh Tuấn (Lược dịch từ Asian Nikkei Review)