Người lao động ăn ca tại Công ty cổ phần Dệt - May Huế

Giá cả cao, chưa đủ sức cạnh tranh

Tôi đến thăm nhà máy dệt may HBI tại khu công nghiệp Phú Bài, với một số lượng công nhân quá lớn 6.300 người và công ty cũng đang tiếp tục tuyển thêm khoảng 1.000 lao động để đến cuối năm nay đạt 7.300 công nhân. Một bếp ăn tập thể khổng lồ được xây dựng khá khang trang, hiện đại và to lớn để phục vụ cho một số lượng người ăn đông đảo như thế.

Người phụ trách ở đây, chị Lê Hoàng Kim Ngân, Giám đốc bộ phận tuân thủ quy chuẩn HBI cho hay: “Ban đầu khi mới thành lập Công ty cũng đã có nhắm đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung ứng cũng như đảm trách chế biến món ăn, song khi chào đơn giá thì quá cao không cạnh tranh được với các doanh nghiệp đến từ Đà Nẵng buộc Công ty chúng tôi mới chọn họ.

Không chỉ có HBI mà còn có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất khác tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đia bàn tỉnh khi tôi đến tìm hiểu thì cũng đang nhập thực phẩm để phục vụ bếp ăn tập thể của đơn vị, doanh nghiệp mình từ các tỉnh, thành lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam... Lý do, bởi giá cả người ta đưa ra cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh. Chị Nguyễn Lam Phương, trưởng bếp của một nhà máy dệt may ở KCN Phú Đa nói rằng: “Không phải công ty may của em mà hầu hết các công ty dệt may trên địa bàn tỉnh đều tổ chức đấu thầu việc cung ứng thực phẩm, không phân biệt trong và ngoài tỉnh, nơi nào rẻ, đảm bảo chất lượng là được. Và điều này, doanh nghiệp Huế chúng ta thua xa họ về giá cả thực phẩm, kể cả giá cả suất ăn họ nhận để nấu. Tôi nghĩ đây là điều thiệt thòi, bởi nấu cho doanh nghiệp luôn là số lượng lớn và thường xuyên, lợi nhuận khổng lồ.

Đội ngũ chế biến món ăn tại HBI đến từ một doanh nghiệp Đà Nẵng, Ảnh: HTB

Cần có chiến lược

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lượng công nhân lớn đều tổ chức bếp ăn tập thể. Có đơn vị như Scavi thì mỗi suất ăn là 16.500đ cho hơn 3.000 công nhân, xi măng Đồng Lâm 23.500đ cho hơn 500 công nhân… Nói chung mỗi đơn vị có giá khác nhau, song đơn vị nào đấu thầu tốt thì chắc chắn có lãi cao, bởi số lượng công nhân đông, thực phẩm chủ yếu lấy sĩ, chế biến các món ăn cũng rất đơn giản. Tuy nhiên khi biết được nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đã đấu thầu thành công việc cung ứng thực phẩm, chế biến món ăn tại các nhà máy, xí nghiệp lớn trong tỉnh, nhiều người dân Huế thắc mắc, tại sao Huế là một vùng đất nông nghiệp vẫn đang chiếm số lượng lớn, trong đó có đầy đủ cả sông, núi, biển, đầm phá với nguồn lợi thủy hải sản nhiều và phong phú chứ có ít đâu sao mà đấu giá không thành công để các doanh nghiệp ngoại tỉnh lấn sân. Đây quả là một bài học trong giao thương buôn bán khi mà chất lượng, đi kèm với giá cả quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nhiều người khác thì cho hay: “Thương trường là chiến trường, đâu phải các nhà máy, xí nghiệp đầu tư ở tỉnh ta là họ sử dụng thực phẩm của chúng ta. Ở đâu giá cả, chất lượng tốt là người ta sử dụng. Điều này nhắc nhở doanh nghiệp thực phẩm của chúng ta phải làm ăn hướng đến sự chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, nếu không thì thua ngay trên sân nhà là điều không tránh khỏi và bài học nhãn tiền cũng đã có rồi”.

 Tỉnh Thừa Thiên Huế đang chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ- du lịch. Để đáp ứng đều này, tỉnh đang mở rộng quỹ đất, xây dựng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp trải dài trên địa bàn toàn tỉnh để kêu gọi đầu tư từ các dự án lớn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch trở thành trung tâm dệt may lớn của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là điều kiện then chốt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tầm cỡ quy mô sản xuất trên vài ngàn công nhân/mỗi một công ty. Đó chính là cơ hội vàng để các nhà cung cấp thực phẩm cũng như đấu thầu chế biến các món ăn phục vụ cho bếp ăn công nghiệp của cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, nguồn thực phẩm dồi dào để có sức cạnh tranh. Nếu chậm chân và làm ăn theo kiểu manh mún như hiện nay thì e khó thực hiện được việc lớn.

Gia Hân