Các quốc gia nên xây dựng kế hoạch riêng để giảm thiểu tối đa tác động của căng thẳng. Ảnh: Washington International Trade Association
Tuyên bố được đưa ra khi nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển đang phải chịu tác động gây nên bởi xung đột thương mại giữa các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Vấn đề này là một trong nhiều lý do đẩy các nước đang phát triển vào cảnh đối mặt với chi phí sinh hoạt cao hơn, lạm phát và suy thoái kinh tế.
Phát biểu về vấn đề này, Chuyên gia Matthew P. Goodman – Cố vấn cấp cao về kinh tế châu Á của CSIS nhận định, cho đến khi tình hình được bình thường hóa, các quốc gia đang phát triển nên xây dựng kế hoạch riêng cho mình để giảm thiểu tối đa tác động của căng thẳng. Bên cạnh tăng năng suất, điều cần thiết là các quốc gia nỗ lực triển khai hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như thương mại, kinh tế, thuế và kinh doanh. Theo nghiên cứu của CSIS, nhu cầu về vốn cho cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là rất lớn, có thể chạm mốc 50 nghìn tỷ USD vào năm 2040.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ và Australia đã và đang nỗ lực bảo vệ tiến trình phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Là một phần trong chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy đầu tư bền vững trong khu vực.
Được biết, cả Mỹ và Australia đều đầu tư rất nhiều vào việc phát triển châu Á. Trong đó Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN, với lượng đầu tư đạt hơn 306 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Ấn Độ. Đối với Australia, lượng đầu tư của quốc gia này vào khu vực Đông Nam Á cũng tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2007 – 2017, dẫn đầu là các khoản đầu tư vào nhiều dự án ở Nhật Bản và Hongkong.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ ANN)