Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông và Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử thuộc Sở Thông tin và Truyền thông sáp nhập thành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh
Giảm 64 đơn vị và 755 biên chế
Thực hiện Chương trình hành động số 99 của UBND tỉnh về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị. Đối với các ĐVSNCL, đã tiến hành sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập đảm bảo tinh gọn bộ máy và ngày càng hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Từ một số đơn vị được sáp nhập ban đầu, đến nay (đầu tháng 8/2019), toàn tỉnh còn 716 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 64 đơn vị so với đầu năm 2016 (tỷ lệ 8,2%); trong đó, sự nghiệp thuộc sở giảm 38 đơn vị, sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện giảm 12 đơn vị, sự nghiệp thuộc phòng cấp huyện giảm 6 đơn vị. Tỷ lệ giảm biên chế sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách Nhà nước vì vậy cũng giảm 755 người.
Việc sáp nhập đã góp phần giảm đáng kể số lượng cấp trưởng, cấp phó tại các đơn vị. Thủ trưởng các cơ quan có những chỉ đạo tích cực, sát với định hướng nhằm thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ. Đáng chú ý như 5 đơn vị của Sở Y tế sáp nhập thành 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì ít nhất giảm được 4 cấp trưởng và 4 cấp phó; một số trường học sáp nhập thì cấp trưởng và cấp phó cũng giảm tương đương.
Liên quan đến việc một số đơn vị có số biên chế quá cao, đại diện Sở Nội vụ cho biết, sẽ có lộ trình chuyển số này sang đơn vị không sử dụng lương từ kinh phí Nhà nước. “Ví dụ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có thời điểm tồn tại hơn 710 biên chế. Đến nay đã giảm hơn một nửa và còn khoảng 300 biên chế. Đơn vị sẽ tiến tới tự chủ hoàn toàn- tức là không còn biên chế thuộc Nhà nước” - vị lãnh đạo này cho biết.
Tinh gọn bộ máy gắn với vị trí việc làm
Xây dựng đề án vị trí việc làm là cơ hội giúp cơ quan, đơn vị rà soát lại tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức và xác định từng vị trí trong tổ chức gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan. Công việc này còn giúp cơ quan phát hiện những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các vị trí việc làm, tránh tình trạng định sẵn nhân sự rồi mới tạo ra công việc và tránh sự chồng chéo khi phân công, giao việc. Nhờ đó, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực.
Trong năm 2020, đề nghị giảm 686 chỉ tiêu Theo báo cáo của UBND tỉnh, số lượng người làm việc tỉnh giao năm 2019 là 26.871; trong đó có 25.454 viên chức và 1.417 hợp đồng theo Quy định 68. Đến thời điểm đầu tháng 8/2019, tổng số lượng người làm việc có mặt 25.704; trong đó có 24.389 viên chức và 1.315 hợp đồng. Như vậy, còn lại chưa sử dụng 1.167 chỉ tiêu; trong đó có 1.065 viên chức và 102 hợp đồng. Trong năm 2020, UBND tỉnh đã tổng hợp đề nghị Bộ Nội vụ giảm 686 chỉ tiêu (408 viên chức và 202 hợp đồng). |
Thực hiện đề án này, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các ĐVSNCL cho 100% cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, các đơn vị đã có sự quản lý và phân bổ số lượng người làm việc cơ bản đảm bảo theo quy định của tỉnh, thực hiện bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp cho viên chức theo quy định hiện hành của nhà nước.
Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông đánh giá, sau 2 năm thực hiện việc sắp sếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, nhiều cơ quan, đơn vị được thành lập trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập đã hoạt động ổn định, có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ. “Việc sắp xếp, tổ chức hoàn thiện bộ máy, biên chế, giải quyết vấn đề dôi dư và thực hiện chế độ chính sách đối với con người sau khi sắp xếp, tổ chức lại là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người, do vậy không thể giải quyết được trong thời gian ngắn” - ông Bạch Chơn Đông thừa nhận.
Trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy ưu điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm về những hạn chế, tồn tại, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp; tăng cường nắm bắt và xử lý kịp thời tư tưởng, diễn biến tâm tư của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót.
Với bước đi và lộ trình hợp lý, hy vọng đến năm 2021, tỉnh sẽ giảm tối thiểu 10% ĐVSNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015; có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các ĐVSNCL so với giai đoạn 2011 - 2015.
Bài, ảnh: Thái Bình