Ebola là virus truyền nhiễm gây ra tỉ lệ tử vong ở người lên đến 90%. Nguồn: The Sun
Hai loại thuốc thử nghiệm - (REGN.O) REGN-EB3 của hãng Regeneron và một kháng thể đơn dòng có tên mAb114 - đều được phát triển bằng cách sử dụng kháng thể thu được từ những người sống sót sau khi bị nhiễm Ebola.
Các loại thước điều trị này hiện được khuyến nghị áp dụng cho tất cả bệnh nhân tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), theo Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Hoa Kỳ cho biết.
Trong số 4 phương pháp thử nghiệm tiềm năng trên các bệnh nhân, hai phương pháp này đã cho kết quả tốt hơn. Chúng mang lại tỉ lệ sống sót cao hơn cho các bệnh nhân.
Hai loại thuốc thử nghiệm khác là Zmapp (sản xuất bởi Mapp Biopharmologists) và Remdesivir (do Gilead Science sản xuất) lần lượt cho kết quả là 49% và 53% bệnh nhân không qua khỏi. Trong khi đó, chỉ có 29% người sử dụng REGN-EB3 và 34% người sử dụng mAb-114 tử vong.
Ông Anthony S. Fauci, Viện trưởng Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Hoa Kỳ, nói với các phóng viên trong một cuộc phỏng vấn rằng kết quả là “một tin rất tốt” cho cuộc cuộc chiến chống lại đại dịch Ebola.
“Điều này có nghĩa là bây giờ chúng ta có (hai) phương pháp điều trị đối với một căn bệnh mà cách đây không lâu chúng ta thực sự không có cách tiếp cận nào cả”, ông nói.
Ổ dịch Ebola đã lan rộng ở Tây Phi và trở thành dịch bệnh lớn nhất thế giới từ trước đến nay khi nó lây lan qua Guinea, Liberia và Sierra Leone từ 2013-2016, gây ra cái chết của hơn 11.300 người.
Chương trình điều trị thử nghiệm ở Congo bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái và đang được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối.
Anh Tuấn (Lược dịch từ Reuters)