Đào tạo - Khâu quan trọng và có phần quyết định để giảm thiểu TNGT

Tại cuộc giao ban báo chí tháng 7 vừa rồi, một nhà báo nhận xét, trên hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh, chiếm tới 50% kho dữ liệu là hình ảnh, thông tin về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực giao thông! Chưa biết, và cũng không nhất thiết phải biết sự chính xác của con số này đến đâu. Song, với những gì “mắt thấy tai nghe”, với những gì phải đối diện “va đập” hàng ngày, thì không chỉ riêng tôi, mà chắc là nhiều người khác nữa, đều cũng sẽ đồng ý đó là thực trạng rất đáng buồn hiện nay.

Ra đường hàng ngày sẽ không quá khó khăn để bắt gặp các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Tha hồ và muôn hình trạng. Phổ biến và có thể nói là… nhàm là nạn lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, họp chợ. Cho dù có bị góp ý, lên án, cho dù có bị các lực lượng chức năng từ xã phường cho đến thành phố, thị xã tuyên truyền vận động, cưỡng chế đẩy đuổi, nhưng sau cùng thì cứ như đá ném ao bèo. Còn nữa, nào lạng lách đánh võng, nào chở quá khổ quá tải, nào vượt đèn đỏ, vào đường cấm, chạy quá tốc độ, không chấp hành/hoặc không hiểu để chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông… Kinh hoàng nhất là tình trạng say rượu bia, phê ma túy vẫn ngồi sau tay lái, coi tính mạng của hành khách, của người đi đường như cỏ rác!…

“Hỗn loạn” như thế cho nên nỗ lực ráo riết hết năm này qua tháng khác, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn mãi là vấn nạn của toàn xã hội. Số người chết và bị thương hàng năm vì TNGT ở Việt Nam ta vẫn luôn là hàng vạn, để lại nỗi đau, để lại hậu quả không gì bù đắp nổi cho hàng vạn gia đình và cho toàn xã hội. Số liệu mới công bố, 6 tháng đầu năm 2019, tuy có giảm trên cả 3 tiêu chí, song toàn quốc vẫn xảy ra 8.385 vụ TNGT, chết 3.810 người, bị thương 6.358 người. Trong đó có 19 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người mà nhiều vụ có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia, ma túy. Riêng với Thừa Thiên Huế, theo số liệu từ Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, tình hình lại xấu hơn. TNGT cũng trong thời gian trên đều tăng cao trên 20% ở cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn tỉnh đã xảy ra 412 vụ TNGT làm chết 104 người, bị thương 398 người, thiệt hại tài sản khoảng 1,2 tỷ đồng; tăng 69 vụ, tăng 25 người chết, tăng 84 người bị thương! Chỉ có 2 địa phương giảm số người chết trên 10% là Hương Trà, Quảng Điền; các địa phương còn lại số người chết vì TNGT đều tăng, cao nhất là A Lưới, tăng đến 700%, Nam Đông 400%, Hương Thủy 113%, Phú Lộc 64%, TP. Huế 24%!...

Còn nhớ cách đây chừng hơn 2 thập kỷ, một tuyến đường đi Nam Đông, đi A Lưới cho tử tế là ước mơ tưởng chừng xa vời của rất nhiều người. Và với mong muốn tăng tính an toàn cho các cung đường, giảm TNGT, ở nhiều hội nghị, nhiều cuộc làm việc, chúng tôi từng nghe những người có trách nhiệm bày tỏ ước ao giá như có những tấm biển báo giao thông bằng sơn phản quang, có vài tấm gương cầu ở những đoạn đường cong để cánh tài xế có thể quan sát các phương tiện ở góc khuất bên kia, có vài tuyến đường cứu nạn ở những vị trí hiểm yếu trên các cung đường đèo… Nay thì không chỉ những ước ao khiêm tốn như vậy được đáp ứng mà còn nhiều lần hơn thế nữa: Đường được đầu tư mở rộng, nâng cấp; Hệ thống hầm đường bộ thay cho đường đèo; Đường sá từ nội thị cho đến quốc lộ, tỉnh lộ đều có dải phân cách, có kẻ sơn phân làn, có lan can phòng hộ, hệ thống cọc tiêu có sơn phản quang cảnh báo; Đèn tín hiệu gắn hầu khắp các giao lộ; Hệ thống biển báo, biển chỉ đường hầu như không thiếu và đều sơn phản quang; Phương tiện giao thông thì hầu hết đều mới và tốt; Các điểm đen giao thông đều được phát hiện và đầu tư xóa dần…Ấy vậy mà vẫn TNGT, vẫn người chết và bị thương lên đến hàng vạn mỗi năm, đó là thực trạng đau buồn và không thể chấp nhận! Nguyên nhân có thể khẳng định là đều bắt nguồn từ ý thức của con người cả. Không nắm luật hoặc coi thường pháp luật, còn lực lượng chức năng thì có khi vì “lý do này lý do khác” lại không xử lý nghiêm. Đó là điều mà nhiều người gọi là “điểm đen ý thức”- loại “điểm đen” nguy hiểm nhất, căn cốt nhất cần phải xóa và xóa càng sớm càng tốt.

Phải tạo dựng sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp Luật Giao thông ngay từ trong trường học; Phải thật nghiêm túc trong học tập, đào tạo, sát hạch và cấp các loại bằng lái; Phải nghiêm khắc trong phát hiện và xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Làm được những điều ấy thì nỗi đau mang tên TNGT mới được kéo giảm, nỗi ám ảnh mang tên TNGT mới có cơ may được xua dần trong tâm trí của mỗi gia đình và cộng đồng xã hội.

Huy Khánh