Hồ sen ở thị trấn Phong Điền khô kiệt nước

Hơn 5.000 ha lúa, hoa màu mất mùa 

Ông Trần Thanh Đại ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) nan giải, chưa có năm nào nắng hạn gay gắt lại kéo dài như năm nay. Từ khi bước vào gieo cấy lúa hè thu đã gặp thời tiết nắng nóng, các hồ chứa, khe suối bắt đầu có dấu hiệu cạn nước. Vào lúc cao điểm, ruộng lúa khô hạn cũng là thời điểm các ao hồ khô kiệt nước, không có khả năng cung cấp nước tưới. Hơn 5 sào lúa của gia đình ảnh hưởng nặng, hơn một nửa chết cháy, mất trắng.

Theo ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến hơn 5.000 ha lúa, hoa màu vụ hè thu năm nay trên địa bàn tỉnh bị khô hạn, sâu bệnh gây hại, trong đó khoảng 3.500 ha lúa hè thu ở các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền… mất mùa, hàng trăm ha gần như mất trắng. Nắng hạn làm nguồn nước trên các sông xuống thấp, thiếu ô xi, ô nhiễm môi trường khiến hàng trăm tấn cá lồng nuôi trên sông Đại Giang, sông Bồ bị chết.

Ruộng lúa ở Phong Mỹ khô hạn

Ông Nguyễn Minh Đức, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT lý giải, thật ra hạn hán đã diễn ra từ nhiều năm nay, đỉnh điểm là vài năm trở lại đây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trước nhu cầu chống hạn, Trung ương và tỉnh đã đầu tư xây dựng hồ chứa Tả Trạch để cung cấp nguồn nước tưới, phục vụ sản xuất, sinh hoạt; ngoài ra các công trình thủy điện bên cạnh sản xuất, kinh doanh còn có nhiệm vụ cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp khi cần thiết. Tuy nhiên gần đây do thời tiết nắng hạn gay gắt, kéo dài khiến nguồn nước tại các hồ nhanh chóng cạn kiệt, không đảm bảo phục vụ nhu cầu tưới lúa và hoa màu.

Thuyền đánh cá trên hồ Quao đành phơi nắng

Trong khi nhiều vụ hè thu lao đao vì thiếu nguồn nước tưới, một số vùng không chủ động khâu thủy lợi (khu 3-Phú Lộc, huyện miền núi A Lưới, xã Hương Hòa (Nam Đông), vùng gò đồi Phong Điền... ) khiến nhiều diện tích khô hạn, thường xuyên mất mùa thì các địa phương, ngành nông nghiệp chậm triển khai các biện pháp ứng phó. Giải thích điều này, ông Đức cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề không thể "ngày một ngày hai" mà cần có sự khảo sát, tính toán kỹ nhiều yếu tố như thí điểm mô hình, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng đất, giải pháp về hạ tầng, thủy lợi... Đặc biệt việc chuyển đổi các diện tích lúa sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác cần tính toán kỹ vì ảnh hưởng đến an ninh lương thực tại các địa phương nên mất nhiều thời gian nghiên cứu...

Ứng phó

Theo nhận định của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, xu thế khí hậu tại Thừa Thiên Huế những năm gần đây và thời gian đến rất khắc nghiệt và khác biệt giữa các vùng. Từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm là những tháng nóng nhất với nhiệt độ nhiều ngày lên đến 39- 40 độ C. Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 25,1 độ C. Vào mùa hè, các dãy núi gây ra hiệu ứng phơn dẫn đến thời tiết khô nóng gay gắt, kèm theo hạn hán.

Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT thông tin, thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp thích ứng BĐKH. Đáng kể là một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Thủy Biều (TP. Huế), Phú Thượng (Phú Vang)... và nhiều mô hình lúa ở vùng đất nhiễm mặn, các loại dưa, khoai lang, ớt... ở vùng đất cao mang lại hiệu quả. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng BĐKH cũng được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, như nuôi xen ghép tôm, cua, cá ở vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, nuôi cá lồng trên các sông và hồ thủy điện, thủy lợi.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 20 vụ cháy rừng quy mô khá lớn, làm thiệt hại hàng trăm ha rừng thông cảnh quan, đặc dụng và keo tràm của các hộ dân.

Hai hồ thủy điện lớn là Hương Điền, Bình Điền ngừng hoạt động sản xuất 3-4 tháng nay, không có nguồn thu nên gặp nhiều khó khăn trong hoàn trả nợ ngân hàng...

Thời gian đến, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương khảo sát những vùng đất không chủ động nguồn nước tưới, thường xuyên khô hạn trong mùa nắng nóng để có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tính toán lại khung lịch thời vụ phù hợp với điều kiện BĐKH.

Tại vùng khu 3 (Phú Lộc) sẽ chuyển đổi một số diện tích trồng lúa thường xuyên khô hạn sang nuôi trồng thủy sản, hoặc các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại.

Hàng trăm ha trồng lúa tại các vùng ven đầm phá thuộc huyện Quảng Điền thường khô hạn, mất mùa có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây chịu hạn như dưa, ớt, khoai lang, rau màu... hoặc đào hồ nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế. Một số diện tích không chủ động nguồn nước ở huyện A Lưới, Phong Điền, Nam Đông... sẽ chuyển đổi sang trồng các loại rau sạch, mô hình nông nghiệp công nghệ cao thích ứng BĐKH, song vẫn phải tính toán đến việc đảm bảo an ninh lương lực (lúa gạo) cho các địa phương.

Hệ thống đê bao, thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo vững chắc trong điều kiện thời tiết, thiên tai khắc nghiệt do BĐKH. Trong số 56 hồ chứa thủy lợi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện có đến 20 hồ bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến quá trình tích nước, vận hành điều tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp...

UBND tỉnh vừa có quyết định đầu tư gần 12 ngàn tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi từ nay đến năm 2025. Các công trình được xây dựng kiên cố, bền vừng và an toàn, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho người dân trong điều kiện BĐKH.

Bài, ảnh: Hoàng Triều