Ngày còn nhỏ, sống ở quê nhà,  một làng chài lưới ven biển miền Trung, anh em tôi rất thích thú khi mỗi lần được nghe bà, nghe mẹ cất lên những lời ca ru con, ru cháu ngủ:

Nhà người phú quý vinh hoa

Mẹ người về chợ thì ta chớ mừng

Cha ta xách giỏ, xách nừng (*)

Mẹ ta về chợ, ta mừng mẹ ta.

Những  lời ca giản dị, mộc mạc như lời bài hát ru trên thấm sâu vào tâm trí chúng tôi lúc nào không biết. Không chỉ có vậy, những lúc rỗi rãi ngồi bên con cháu, bà tôi, mẹ tôi còn giảng giải, chỉ vẽ cho chúng tôi làm những công việc tốt đẹp, ví như việc học hành sao cho giỏi, làm việc nhà, việc cửa sao cho tốt, lời ăn, tiếng nói sao cho đúng lễ nghĩa và đặc biệt không làm điều gì xấu để xóm giềng kêu tên cha, tên mẹ ra mà xỉ mắng, chửi bới…

Lớn lên, đi học ở trường làng, trong nhiều giờ học, học sinh chúng tôi đã được các thầy cô giáo giảng cho nghe về công cha, nghĩa mẹ, về “chữ hiếu”, “chữ trung” thông qua các bài văn, bài thơ rất được nhiều người yêu thích.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Tôi còn nhớ, trong một giờ học, khi nói về Tết Trung nguyên (rằm tháng 7 âm lịch), thầy giáo chủ nhiệm lớp 7 của chúng tôi đã kể cho chúng tôi nghe rất tường tận về câu chuyện ông Kiều Mục Liên xuống âm phủ tìm mẹ khi mẹ ông đã mất. Từ câu chuyện này, thầy nói với chúng tôi: Cha mẹ mình cũng như mọi người bình thường khác trong xã hội; họ cũng có nhiều cái tốt, cái hay, cái đẹp, nhưng họ cũng có thể có những sai sót, vấp váp này nọ… Nhưng không phải vì vậy mà con cháu xa lánh, khinh ghét, bất hiếu với cha mẹ. Mình phải gần gũi, giúp đỡ cha mẹ sửa chữa sai lầm, phải sống tốt, làm nhiều điều tốt đẹp để phần nào đó chuộc lỗi lầm cho những người đã sinh ra mình, nuôi dưỡng mình lớn khôn…

Giờ đây, sau mấy chục năm rời nhà đi làm ăn nơi xa, tôi vẫn luôn nhớ câu chuyện thầy tôi kể, lời thầy giáo giảng dạy cho chúng tôi nghe. Sống và làm việc vùng đất cố đô nhiều năm nay, tôi thấy người xứ Huế rất chú trọng dạy dỗ con cháu “chữ hiếu”, “chữ trung” từ lời chào hỏi đến cách ứng xử với những người bậc trên sao cho tròn vẹn, cho đầy chất nhân ái, nhân văn, nhất là khi họ già cả, ốm đau.

Ngày lễ Vu Lan, đi lễ chùa, được gắn bông hồng đỏ hoặc bông hồng trắng lên ngực áo, không ai là không xúc động, không nhớ đến công đức sinh thành của cha mẹ và tình cảm cũng như trách nhiệm của con cháu trong gia đình, gia tộc.

Trần Hoàng


(*) Nừng: từ địa phương chỉ một loại đồ dùng nhỏ đan bằng tre dùng để đựng cơm khi ngư dân ra biển đánh cá