Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh chụp ảnh cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội ngày 5/8. Ảnh: Nikkei News

Thỏa thuận này mở đường, cho phép Việt Nam tham gia vào các hoạt động và nhiệm vụ theo nội dung Chính sách An ninh và Quốc phòng chung của EU, như hoạt động gìn giữ hòa bình và tăng cường hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn.

Lâu nay Liên minh châu Âu vẫn luôn thể hiện sự sẵn sàng duy trì một trật tự dựa trên quy tắc trong khu vực. Trong những năm gần đây, các thành viên chủ chốt trong khối EU đã và đang nỗ lực củng cố quan hệ kinh tế, chiến lược với các nước Đông Nam Á.

Có rất nhiều lý do để châu Âu mở rộng tiếp cận thị trường Đông Nam Á

Đầu tiên, nó hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc và học thuyết chiến lược của EU. Mặc dù vẫn ở vị trí trung lập về các vấn đề lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông, song chiến lược toàn cầu năm 2016 của khối kêu gọi các quốc gia thành viên giữ vững tự do hàng hải, tôn trọng luật biển và khuyến khích giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Hơn nữa, chiến lược an ninh hàng hải năm 2014 của EU cũng hy vọng lực lượng vũ trang của các thành viên EU sẽ “đóng vai trò chiến lược trên biển”, đảm nhận toàn bộ trách nhiệm hàng hải, bao gồm hỗ trợ tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế và ngăn chặn “các hoạt động bất hợp pháp”.

Nhìn chung, thỏa thuận quốc phòng giữa EU và Việt Nam chính là minh chứng nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các quốc gia nhỏ hơn bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như “bảo vệ trật tự đa phương dựa trên quy tắc”, một quan chức EU cho hay.

Với tình hình như hiện nay, châu Âu hoàn toàn có thể và nên cung cấp hỗ trợ như tài trợ quốc phòng, tập trận và huấn luyện quân sự chung, hoặc hỗ trợ chuyển giao công nghệ để cải thiện năng lực giám sát và an ninh hàng hải của các nước ASEAN.

Cam kết cải thiện quan hệ

Bên cạnh thiết lập thỏa thuận quốc phòng với một trong số những thành viên ASEAN, EU cũng mong muốn cải thiện quan hệ song phương với từng quốc gia Đông Nam Á, cụ thể là thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Được biết vào năm 2018, EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN, chỉ sau Trung Quốc. Trong thời gian này, giá trị thương mại hàng hóa song phương đạt khoảng 263 tỷ USD.

Theo Ủy ban châu Âu, các thỏa thuận song phương giữa EU và mỗi nước ASEAN là nền tảng hướng tới một hiệp định EU – ASEAN trong tương lai. Đây là mục tiêu cuối cùng của Liên minh châu Âu.

Hiện EU vẫn đang trên đường hướng đến ký kết thỏa thuận Vận tải hàng không toàn diện (CATA) ASEAN – EU. Trong đó thỏa thuận sẽ cho phép đơn giản hóa các quy tắc vận chuyển giữa hai khối, cùng lúc mở đường cho đầu tư tăng lên.

Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là ngoài thương mại, quan hệ của hai khối vẫn còn kém bền vững. Một phần nguyên do bắt nguồn tư cách thức hoạt động tương đối khác nhau giữa hai bên. EU có xu hướng bị chi phối bởi Đức và Pháp. Đòn bẩy sẽ ngày càng lớn và nặng hơn nữa khi Anh rời khỏi khối, dự kiến vào ngày 31/10 tới đây. Trong khi đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được xây dựng dựa trên sự đồng thuận, với các thành viên ASEAN không tham gia vào những vấn đề nội bộ của các nước khác, song lại có quyền ngăn chặn mọi quyết định đi ngược lại với lợi ích của tổ chức, cũng như cản trở hiệu quả của khối trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực.

Với một số khoảng hở trong quan hệ, vừa qua, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – EU ngày 1/8, Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định rất sâu về việc biến EU trở thành đối tác an ninh đáng tin cậy cho ASEAN: “Chúng tôi tin tưởng rằng an ninh châu Á cũng là an ninh châu Âu, sự thịnh vượng của châu Á cũng là thịnh vượng châu Âu. Chúng tôi muốn cùng châu Á tham gia giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực và nhiều hơn nữa. Đó là lý do vì sao chúng tôi sẽ triển khai cố vấn quân sự tại một số đại sứ quán của Liên minh châu Âu trên khắp châu Á”.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Nikkei News & Asia Times)