Việt Nam là nước có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp và khoảng 2/3 dân số sống dựa vào nông nghiệp. Với Thừa Thiên Huế, ngành nông nghiệp khá đa dạng, ngoài chuyên canh cây lúa còn có nhiều loại cây trồng khác như lạc, ngô, khoai lang; trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, gia trại… Song hành với quá trình sản xuất, hằng năm một lượng phế thải dư thừa trong thu hoạch, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm thải ra môi trường mà chưa được quan tâm xử lý hiệu quả.

Chỉ tính riêng việc sản xuất lúa gạo, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố tại hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đầu năm 2019, hiện nay đất sản xuất lúa cả nước chiếm trên 4 triệu ha; năm 2019 diện tích lúa cả nước trên 7,53 triệu ha (2 vụ), sản lượng lúa dự kiến đạt trên 43,8 triệu tấn. Theo tính toán của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trung bình sản xuất 1 tấn lúa thì tạo ra 1 tấn rơm rạ, như vậy mỗi năm cả nước tạo khoảng 43-44 triệu tấn rơm rạ.

Với Thừa Thiên Huế, diện tích gieo cấy hàng năm trên 54 nghìn ha; vụ đông xuân vừa qua sản lượng lúa cả tỉnh đạt trên 180 nghìn tấn, nếu tính cả 2 vụ, lượng rơm rạ thải ra ước 300-350 nghìn tấn. Nhưng hiện nay lượng rơm rạ thải ra chỉ được người dân tận dụng một phần nhỏ làm nấm, thức ăn trâu bò, phục vụ chăn nuôi còn lại chủ yếu đốt ngay tại đồng.

Câu hỏi đặt ra, tại sao đốt rơm rạ vừa ảnh hưởng đến đất đai, gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguồn phế thải có giá trị sử dụng vẫn tái diễn. Thực ra, không phải người dân không biết tác hại của việc đốt rơm rạ và thói quen cũng chỉ là một phần, quan trọng là việc tổ chức tận thu còn chưa hiệu quả, bao gồm cả chi phí cho việc thu gom, xử lý còn cao lẫn việc tái sử dụng chưa đem lại thu nhập hấp dẫn cho nông dân. 

Như vậy, vấn đề đặt ra là cần hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ người dân thu gom, xử lý, tái sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Khi thấy được hiệu quả chắc chắn người dân sẽ tự giác chuyển đổi thói quen sản xuất, mạnh dạn đầu tư để biến phế phẩm thành tiền. Điều này không phải là quá khó. Hiện nay, các nghiên cứu, các chế phẩm sinh học để biến rơm rạ thành phân bón khá phổ biến. Các mô hình tận dụng rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác để phát triển kinh tế cũng đã có, như sản xuất nấm rơm, củi trấu, sử dụng rơm rạ làm đệm lót chăn nuôi; sử dụng bẹ ngô, rơm làm hàng thủ công mỹ nghệ; sử dụng chất thải trong chăn nuôi làm hầm bioga… Ngay cả khâu tốn nhiều công sức là thu gom rơm rạ cũng đã có thiết bị máy móc vừa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao cho nông dân xã Phong Hiền (Phong Điền).

Tận dụng phế thải trong nông nghiệp không chỉ nâng giá trị và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường. Điều quan trọng, các địa phương, các ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu, mạnh dạn tiếp cận và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong tái sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Song hành với đó là các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị để người nông dân có thể dễ dàng áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong chế biến, tái sử dụng nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp nhằm đạt đa lợi ích, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Hoàng Minh