Sản xuất men frit tại KCN Phú Đa
Tăng tốc
Tháng 3/1988, Nhà máy sợi Huế, tiền thân của Công ty CP Dệt May Huế chính thức đi vào hoạt động. Qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, từ một dây chuyền kéo sợi với sản lượng 1.500 tấn/năm, đến nay công ty doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng, tăng hơn 400 lần so với năm 1988 và nộp ngân sách 16,5 tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Thanh Tý cho biết, đến nay, sản phẩm của DN được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Đài Loan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập…, là một trong những DN hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam, cùng với các DN dệt may khác chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Cùng với dệt may, lĩnh vực sản xuất bia có nhiều chuyển biến tích cực cả về quy mô, lẫn chất lượng sản phẩm. Từ công suất 3 triệu lít/năm, đến nay tổng công suất của nhà máy tăng lên 230 triệu lít/năm. Từ một sản phẩm là bia chai Huda, đến nay, DN đã phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như, bia Festival, bia Huế, Huda Extra...và vươn ra các thị trường trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada…
Đa dạng sản phẩm
Được đánh giá là ngành công nghiệp chủ lực, chỉ đứng sau dệt may, bia và vật liệu xây dựng, những tháng đầu năm 2019, sản xuất men frit tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao khi sản lượng tăng gần 60% so với cùng kỳ. Từ nhà máy men frit đầu tiên của Công ty CP men frit Huế đi vào hoạt động vào năm 2000 với công suất 3.000 tấn/năm tại khu công nghiệp (KCN) Phú Bài, đến nay trên địa bàn tỉnh có 5 DN sản xuất men frit, đó là Frit Phú Xuân, Phú Sơn, Prime Phong Điền, Vitto Phú Lộc.
Giám đốc Công ty CP Frits phú Xuân, ông Lê Văn Thông cho rằng, Thừa Thiên Huế nói chung và Phong Điền nói riêng có trữ lượng cát lớn với trữ lượng cát nội đồng chiếm trên 3.000ha, đây là nguồn nguyên liệu quý hiếm phục vụ sản xuất các sản phẩm từ cát nên DN gặp khá nhiều thuận lợi khi đặt nhà máy tại đây. Với công suất 33.000 tấn/năm, 7 tháng đầu năm 2019, DN sản xuất trên 20.000 tấn, cung ứng cho các DN sản xuất gạch men trong nước.
Lĩnh vực điện mặt trời, thủy điện tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn số lượng, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 7 nhà máy thủy điện tham gia phát điện, đó là A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch, A Roàng, Thượng Lộ và ALin Thượng với tổng công suất 324,5 MW và 1 nhà máy điện mặt trời Phong Điền công suất 35MW. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng của 8 nhà máy đạt 440 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ và đạt 30% so với kế hoạch đề ra.
Đảm bảo môi trường bền vững
Với mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, tỉnh chuyển hướng từ thu hút đầu tư theo số lượng sang thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó chú trọng năng lực nhà đầu tư, tập trung các ngành nghề có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ít sử dụng lao động và đảm bảo môi trường bền vững.
Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh cho biết, với mục tiêu đưa chỉ số phát triển công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ, năm 2019, Sở triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp và phát triển công nghiệp nông thôn, trong đó tập trung hỗ trợ các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn các thiết bị máy móc hiện đại thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu để nâng cao năng suất, thay đổi mẫu mã và hạ giá thành thông qua nguồn vốn khuyến công. Khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, các dự án chế biến sâu cát thạch anh, silicat chất lượng cao để gia tăng giá trị xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho các DN sản xuất.
Quy hoạch các khu công nghiệp trọng điểm Cùng với việc kiểm tra và nghiên cứu kỹ các dự án đầu tư của các DN trước khi cấp phép, hiện tỉnh triển khai các giải pháp kêu gọi đầu tư theo lĩnh vực, chọn lọc nhà đầu tư với mục đích đảm bảo về nguồn nguyên liệu tại chỗ, đáp ứng nguồn lao động tại các địa phương và hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong đó, KCN Phong Điền sẽ kêu gọi các DN chế biến cát và sản xuất công nghiệp hỗ trợ dệt may; KCN Tứ Hạ chuyên về vật liệu xây dựng, thuốc tân dược, thiết bị y tế, may mặc thời trang; KCN La Sơn chú trọng lĩnh vực dăm gỗ, vật liệu xây dựng... |
Bài, ảnh: Thanh Hương