Cô và trò Trường THPT Đặng Huy Trứ làm túi giấy để bảo vệ môi trường
“Ngày Chủ nhật xanh” & đề thi vào lớp 10
Đề thi môn toán vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2019 - 2020 ở Thừa Thiên Huế tạo nên sự bất ngờ lớn khi lấy cảm hứng từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.
Cụ thể là ở câu 3 môn toán với nội dung như sau: “Hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh do UBND tỉnh phát động với chủ đề “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh, sạch, sáng”, một trường trung học cơ sở đã cử học sinh của hai lớp 9A và 9B cùng tham gia làm tổng vệ sinh một con đường, sau 35/12 giờ thì làm xong công việc. Nếu làm riêng từng lớp thì thời gian học sinh lớp 9A làm xong công việc ít hơn học sinh lớp 9B là 2 giờ. Hỏi, nếu mỗi lớp làm riêng thì sau bao nhiêu giờ sẽ làm xong công việc?”.
Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” do Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát động với phương châm “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn”. Phong trào đã được người dân trên địa bàn toàn tỉnh hưởng ứng và đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng và biểu dương.
Cùng với việc phát động tại các trường học phổ thông trong toàn tỉnh tích cực tham gia phong trào, việc đưa “Ngày Chủ nhật xanh” vào đề thi tuyển vào lớp 10, theo ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, là sự sáng tạo, gắn học tập với thực tiễn cuộc sống, góp phần tuyên truyền ý nghĩa của “Ngày Chủ nhật xanh” đến với các em học sinh.
Giáo dục toàn diện
Câu chuyện bài thi vào lớp 10 lấy cảm hứng từ “Ngày Chủ nhật xanh” cho thấy, việc giáo dục và đào tạo bậc học phổ thông ở Thừa Thiên Huế đã có những thay đổi theo hướng phát triển toàn diện, gắn học với hành và chú trọng nâng cao kỹ năng và ý thức cộng đồng cho học sinh.
Thực tế, trong năm học 2018 - 2019, các trường tiểu học trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, chú trọng giáo dục thể chất đi đôi giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống. Việc tổ chức dạy bơi để phòng tránh tai nạn dưới nước được triển khai sâu rộng và hiệu quả được xem là một hướng đi tốt, cần được duy trì và nhân rộng.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” và thực hiện dạy học “Mỹ thuật đa phương tiện” theo hướng phát triển năng lực học sinh; nhân rộng một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới (VNEN) theo hướng tích cực hóa các hoạt động giáo dục.
Ở bậc học phổ thông, việc giáo dục văn hóa và lịch sử địa phương được đẩy mạnh gắn với xây dựng mô hình “Trường học kiểu mẫu, lớp học kiểu mẫu” và phong trào thi đua “Nét đẹp văn hóa học đường” là việc triển khai có hiệu quả đề án tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh-Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”.
Cũng trong năm học 2018 - 2019, đáng chú ý đã có 100% trường học tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục thiết thực, hướng về biển đảo và quê hương. Mặt khác, việc tổ chức cho các trường trung học tổ chức những hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, học tập thông qua di sản, kết hợp tham quan và học tập tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển năng lực, giáo dục sáng tạo, giáo dục phẩm chất và kỹ năng sống cũng là những điểm sáng, rất đáng ghi nhận.
Việc cần làm trong năm học mới
Chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, tại buổi làm việc vào cuối tháng bảy vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của giảng dạy và học tập.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo tổ chức kế hoạch giảng dạy năm học 2019 - 2020 đảm bảo theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo có tính đến đặc thù địa phương. Sắp xếp, đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý gắn với việc bảo đảm các quy định, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống quy mô trường lớp. Đặc biệt, cần tạo ra được điểm sáng trong đổi mới giáo dục Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu giáo dục toàn diện đang triển khai thực hiện, tuy đã được hiệu quả bước đầu song cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Kết quả chung là khá cao, thế nhưng, là vùng đất lịch sử, văn hóa và hội nhập nhưng phổ điểm hai môn lịch sử và Anh văn ở Thừa Thiên Huế lại thấp nhất trong phổ điểm thành phần các môn thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2019.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, đây là vấn đề tồn tại mà ngành giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận. Cùng với việc xem xét lại hiệu quả giảng dạy và học tập môn tiếng Anh, vấn đề đặt ra là đổi mới hình thức dạy học lịch sử thông qua giáo dục ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử văn hóa đất nước, địa phương để khơi dậy ý thức nguồn cội, lòng tự hào dân tộc.
Bài, ảnh: Huế Thu