Đặt vấn đề doanh thu, lợi nhuận lên hàng đầu nên cũng là điều hẳn nhiên các chủ phương tiện cùng với đội quân của mình luôn tìm mọi cách để thu lợi nhiều nhất. Câu hỏi mà dư luận đặt ra ở đây là tại sao họ lại có thể ngang nhiên hoạt động đến thế trong cả một quãng thời gian khá dài? Tại sao người dân sống xung quanh khu vực này đã nhiều lần phản ảnh, kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng chưa thấy ai đến giải quyết? Ở đây phải chăng là thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương hay là sự thiếu phối hợp, kiểm soát giữa các phường Thủy Biều, Thủy Xuân (TP Huế) và xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) và cao hơn là vai trò của chính quyền đô thị; trong sự phân luồng, phân tuyến và kiểm soát lộ trình của ngành giao thông vận tải và lực lượng công an giao thông? Và dù là thế nào đi chăng nữa, sự bỏ bẵng theo như ý kiến của người dân mà bài báo Xe chở vật liệu cày nát đường lên Vọng Cảnh của tác giả Thanh Quang (báo Thừa Thiên Huế số 6121 phát hành ngày thứ 2, 11-8-2014) cũng có thể được xem như là một sự tiếp tay để phá hỏng một tuyến đường, làm mất đi sự thanh lặng như phải có của một danh thắng và cơ bản hơn, gây nên sự búc xúc trong người dân về an ninh trật tự, về ô nhiễm môi trường sống và những vấn nạn luôn rình rập từ hiểm họa giao thông không được điều tiết, kiểm soát.

Việc nâng cấp một tuyến đường có thể sẽ được thực hiện dựa trên đánh giá, khảo sát hiện trạng và báo cáo đầu tư, việc cân đối và bố trí nguồn vốn dựa trên những nhu cầu bức thiết từ thực tiễn cuộc sống và sự phát triển. Nhưng điều ấy không có nghĩa chỉ là những giải pháp đi sau, là sự sửa lỗi hay hệ lụy của sự phát sinh. Vấn đề ở đây có lẽ cũng không có gì khác hơn là quản lý trách nhiệm trong từng vai trò và sự phối hợp hành động cụ thể, trên từng lĩnh vực cụ thể để vừa điều chỉnh, vừa giám sát, vừa quản lý một cách hài hòa nhất vì lợi ích chung của cộng đồng và một thành phố văn hóa du lịch.
Hạnh Nhi