Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Ninh được trao chứng nhận địa phương ứng dụng CNTT xuất sắc

Đột phá

Thành lập năm 2000, Trung tâm Công Nghệ thông tin (CNTT)  tỉnh được xem là một trong những Trung tâm CNTT ra đời sớm của cả nước. Quá trình thực thi Đề án Tin học hoá hành chính Nhà nước của Chính phủ, giai đoạn 2001-2005 (Đề án 112), CNTT của tỉnh từng bước được đưa vào ứng dụng trong cơ quan Nhà nước (CQNN).

Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ: Ban đầu, việc triển khai vô cùng khó khăn, từ tổ chức triển khai, điều kiện cơ sở vật chất đến giải pháp công nghệ, nhất là vấn đề nhận thức.  “Tuy nhiên, với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các đơn vị thực thi dần đi vào nề nếp. Sau này, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được đánh giá triển khai có hiệu quả đề án cũng như đạt được nhiều kết quả tốt”- ông Nguyễn Xuân Sơn nói.

Trên nền tảng ứng dụng CNTT, tỉnh đã xây dựng Trung tâm Dữ liệu dùng chung: Triển khai hệ thống ứng dụng trong CQNN, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành; mạng nội bộ (LAN) với 100% cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) được kết nối; mạng diện rộng (WAN): Kết nối toàn bộ CQHCNN với trên 350 điểm kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã và áp dụng rộng rãi hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2008, giúp Thừa Thiên Huế thuộc top đầu toàn quốc về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT.

Đến nay, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước của tỉnh đã cung cấp cho người dân và tổ chức 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 1.037 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 774 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4… Kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 2 trên toàn quốc với nhiều chỉ số thành phần nằm trong top đầu.

Một lĩnh vực rất mới, vừa được tỉnh áp dụng thành công là Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh (IOC), tạo sự “khác biệt, đột phá” của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng CNTT.

Trung tâm đã triển khai đồng thời hơn 10 dịch vụ ĐTTM, hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý Nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý, công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý, người dân được tham gia tương tác với hoạt động Nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực và hiệu quả. Giải pháp phát triển dịch vụ ĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế được Ban tổ chức giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.

Đưa công nghệ thông tin thành ngành kinh tế quan trọng 

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư CNTT mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định quyết tâm khai thác lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh để thúc đẩy một cách mạnh mẽ phát triển CNTT, đưa CNTT trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Với định hướng trên, tỉnh đang nỗ lực thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo theo hướng gắn đào tạo với thực hành, gắn trường học, chính quyền với doanh nghiệp; xem thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNTT là yếu tố quan trọng hàng đầu để kêu gọi đầu tư, phát triển.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp CNTT trong quá trình tìm hiểu cơ hội đầu tư khi đến Thừa Thiên Huế được xác định là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, với tinh thần chính quyền sẵn sàng, chính quyền phục vụ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, giới thiệu mặt bằng, đào tạo nhân lực nhằm thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp CNTT. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp CNTT phát triển mạnh mẽ ở Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Bình Minh