Một nhân viên y tế đang lấy thuốc tại một nhà thuốc thông minh ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Nguồn: China Daily

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các nhóm hỗ trợ y tế cho các nước Arab và đào tạo kỹ thuật để nâng cao năng lực cho các nhân viên y tế địa phương”, ông Mã Hiểu Vĩ nói. “Mục tiêu là mang lại lợi ích thực sự cho người dân từ cả hai phía”.

Để đối phó với các bệnh truyền nhiễm liên tục đe dọa nền y tế toàn cầu, Trung Quốc và các quốc gia Arab sẽ phát triển mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong việc theo dõi và phòng ngừa dịch bệnh, thúc đẩy chia sẻ thông tin kịp thời trong các tình huống y tế khẩn cấp, ông nói thêm.

Các tổ chức y tế và các công ty dược phẩm từ cả hai khu vực cũng được khuyến khích hợp tác để lập ra các phòng thí nghiệm và đánh giá các công nghệ tiên tiến, theo một sáng kiến được công bố tại Diễn đàn Hợp tác Y tế Trung Quốc - Arab lần thứ hai tổ chức tại Bắc Kinh vào hôm thứ Sáu.

Hai bên cũng đang nghiên cứu thành lập một viện nghiên cứu chung chuyên phát triển và sản xuất các loại thuốc y học cổ truyền, đồng thời đẩy mạnh hiệu quả giải quyết các thủ tục liên quan để trao đổi và tiêu thụ các loại thuốc này ở cả hai khu vực.

Tại khu vực các nước Arab, Trung Quốc đã bắt đầu chương trình hỗ trợ y tế từ năm 2014 thông qua việc cung cấp các ca phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí cho bệnh nhân ở một số nước Arab, bao gồm Sudan, Morocco và Djibouti. Hơn 2.800 bệnh nhân đã được điều trị và lấy lại thị lực cho đến nay, ông Mã nói.

Ông Nasser Mohsen Baoom, Bộ trưởng Bộ Y tế công cộng và Dân số Yemen cho biết, chuyên môn của các nhân viên y tế Trung Quốc là đáng tin cậy và luôn có chất lượng cao. Ngoài các phương pháp hỗ trợ y tế thông thường, như gửi thuốc men và trang thiết bị, ông Baoom cũng thấy tiềm năng lớn để hai bên hợp tác trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Anh Tuấn (Lược dịch từ China Daily)