Hôm đó ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), trời nắng rát. Có một cặp vợ chồng người nước ngoài cùng đứa con nhỏ địu trước ngực bố. Có lẽ họ đến từ châu Âu. Tôi đoán bé chỉ chừng vài tháng tuổi. Gần trưa đứng bóng nhưng họ cứ như thế đi thăm, hết tháp này đến tháp khác.

 

Mỹ Sơn đẹp thật. Hèn gì chẳng là di sản thế giới. Nhưng điều tôi muốn nói không phải là Mỹ Sơn, mà là cái cách người nước ngoài nuôi con “lạ” hơn người Việt chúng ta nhiều lắm. Đã nuôi dạy khác thì nó sinh ra tính cách khác, ít nhất là vậy.

Tôi đồ rằng, đối với phần lớn người Việt chúng ta, nếu con cái còn nhỏ như vậy ít ai quyết định đưa con đi du lịch xa. Lại càng không “giang nắng giang gió” con như vậy. Chúng ta không khó nhận thấy trong các gia đình người Việt, con được bao bọc đủ thứ. Nhà càng có điều kiện thì cha mẹ gần như lo thay cho con hết mọi việc, từ nhỏ đến lớn, mặc dù có nhiều việc con tự lo được. Có những hình ảnh như thế này: Một cậu con trai ngồi sau xe đầu cao hơn mẹ hoặc bố, nhưng bố mẹ vẫn cứ chở đi học hàng ngày.

Người phương Tây không sợ con ốm chăng? Chắc là có, nhưng có lẽ họ quan niệm khác chúng ta: hãy tập cho nó thích nghi với môi trường càng sớm càng tốt. Tìm đọc một tài liệu về cách nuôi dạy con của người phương Tây thì thấy cách nuôi dạy con khác với người phương Đông ở chỗ tôn trọng trẻ; để trẻ tự giải quyết vấn đề; giúp trẻ phát triển khả năng tự phục vụ; lắng nghe và kiên nhẫn với con; hào phóng lời khen với trẻ…

Giờ cũng có những ông bố bà mẹ Việt, đặc biệt là ở những đô thị năng động, mang tính hội nhập cao, như TP. Hồ Chí Minh, chúng ta thấy những bà mẹ trẻ có cách nuôi dạy con theo hơi hướng phương Tây. Ví dụ như khi trẻ đã biết ăn cháo, tới bữa ăn các bà mẹ đặt con vào xe nôi, trước mặt để tô cháo để con tự bốc ăn. Sự rơi vãi, lem lốc không phải là điều quan trọng. Cứ thế tập dần, trẻ sẽ tự biết điều chỉnh .

Trên mạng xã hội thời gian gần đây xuất hiện một clip rất vui, và hay: Hình ảnh của một đứa bé mắt xanh, tóc vàng còn rất nhỏ nhoài người bơi dưới hồ (hình ảnh này chắc xa lạ với trẻ Việt ở vào độ tuổi này). Không thấy hình ảnh bố mẹ nhưng chúng ta cũng có thể đoán được là bố mẹ đang ngồi trên bờ dõi theo con. Xem xong clip tôi có cảm nhận: đứa bé rất nỗ lực, có phần tự tin không hề sợ hãi…

Để con đỡ thụ động và ỷ lại, có lẽ các gia đình Việt cũng nên nghiên cứu phương pháp nuôi dạy con của người phương Tây. Cách giáo dục ở nhà trường Việt cũng vậy, nên thay đổi kiểu dạy đọc chép. Việc hành xử trong các cơ quan đơn vị cũng vậy, không thể đã là lãnh đạo thì nói cái gì cũng đúng, buộc nhân viên cấp dưới phải nghe theo, làm theo mà quên đi sự trao đổi, bàn bạc, thậm chí là tranh luận… Tất cả những điều này chỉ sản sinh là những tính cách thụ động, thiếu sự sáng tạo, thiếu động lực, ỷ lại…

Thanh Lê