Chị Kiến Thị Yêu (thứ 2, từ phải sang) vận động chị em phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch

Việc nhiều, chế độ thấp

Xế trưa, thời tiết vùng cao Nam Đông oi bức, cô YTTB Kiến Thị Yêu (thôn 1, xã Hương Hữu) nhễ nhại mồ hôi sau khi tuyên truyền, vận động bà con địa phương thau vét bọ gậy, phòng ngừa sốt xuất huyết trở về nhà. Gặp chúng tôi, chị Yêu chia sẻ, bà con ở đây hầu hết là người dân tộc thiểu số, nhờ nhân viên YTTB gần gũi, chia sẻ kiến thức ăn uống, sinh hoạt... nên giờ bà con đã tiến bộ hơn trước nhiều. Phụ nữ có thai đến trạm khám thai, sinh con cũng đến trạm y tế. Họ đã biết chăm sóc, cho trẻ ăn uống hợp lý để không suy dinh dưỡng... Những công việc tưởng đơn giản ấy nhưng hàng ngày, hàng tuần bất kể lúc đêm hôm chị Yêu thường xuyên đến thăm hỏi nắm tình hình, tuyên truyền, vận động...

Đến nay, chị Kiến Thị Yêu đã có gần 20 năm làm nhân viên YTTB, một công việc không dễ dàng vì ở địa bàn vùng cao, tập tục sinh hoạt, kiến thức chăm sóc bảo vệ chăm sức khỏe còn hạn chế. Điều thuận lợi là người địa phương nên chị đã vượt qua tất cả, tạo được "thương hiệu" một nhân viên YTTB được dân thương, đồng nghiệp mến. "Nói thật, chi phí hỗ trợ mỗi tháng nhân viên không đủ ăn gạo. Nếu không yêu nghề, không vì bà con thì mình khó gắn bó cho đến bây giờ". Chị Yêu thổ lộ.

Mới đây lên công tác huyện A Lưới, chúng tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện trăn trở, gian nan của nhân viên YTTB. Chị Hồ Thị Điều, thôn A Niên, xã Hồng Trung (A Lưới) không mấy vui khi nói về nghề YTTB đã gắn bó hơn 15 năm qua. Với đặc thù địa phương, mỗi tuần không dưới ba ngày, ngoài ra chưa kể các dịp họp hành, tập huấn ở trạm y tế, chị Điều phải dong ruổi mọi nơi ở thôn để tuyên truyền cung cấp thông tin cho người dân phòng ngừa dịch bệnh, ăn uống hợp vệ sinh; chăm sóc sức khỏe... Hàng tháng, vào các dịp tiêm chủng cho trẻ, chị phải rà soát, thông tin, giám sát hỗ trợ đưa trẻ đến trạm... 

Nghề YTTB của chị Điều như "ong làm mật", không so tính thời gian, có trách nhiệm với người dân... nhưng chỉ được hỗ trợ 695 nghìn đồng mỗi tháng không đủ để chị quà bánh cho hai đứa con. Bác sĩ Đặng Hà, Trưởng trạm Y tế xã Hồng Trung thực tình, nhờ chính quyền địa phương, trạm y tế cho kiêm thêm công việc cộng tác viên dân số, chứ với mức 695 nghìn đồng/tháng thì rất khó để chị Điều đi tuyên truyền vận động mang các thông tin, chính sách y tế đến bà con...

Hiện, ở huyện A Lưới có 110 nhân viên YTTB hoạt động các thôn bản. Lực lượng này đang trở thành những nhân tố quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Bác sĩ CK II Lê Quang Phú, Giám đốc TTYT huyện  A Lưới thừa nhận, dù đảm nhiệm công việc quan trọng nhưng hàng tháng, mỗi nhân viên YTTB chỉ được hỗ trợ từ gần 300-695 nghìn đồng tùy theo vùng. Số tiền ấy không đủ để nhân viên YTTB ở vùng núi đổ xăng xe đi lại… Chưa kể, hiện trên địa bàn có số thôn đã sát nhập, nên công việc nhân viên YTTB dày thêm, thay vì phụ trách 1 thôn như trước đây thì nay phải đảm trách 2 thôn... Đây là một trăn trở không riêng ở huyện miền núi A Lưới.

Cần những trợ lực

Theo bác sĩ Hồ Thư, Giám đốc TTYT huyện Nam Đông, chức năng và nhiệm vụ của nhân viên YTTB khá nhiều, gồm tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, hướng dẫn, sơ cứu ban đầu, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em... Ngoài công việc trên, YTTB còn tận dụng được các cô đỡ thôn bản (CĐTB) "chia lửa" cho cán bộ y tế ở TYT. Ở nhiều bản làng, người dân sống xa cơ sở y tế, việc sinh đẻ của phụ nữ phần nhiều trông cậy vào các CĐTB. Chính các CĐTB là người gần bà con, tạo "cầu nối" hỗ trợ, vận động chị em phụ nữ địa phương tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, quan tâm đến khám, tiêm chủng và sinh đẻ tại các cơ sở y tế. Khi hỏi chính sách phụ cấp, bác sĩ Thư lắc đầu: "Mỗi tháng họ làm cả núi việc nhưng phụ cấp không đủ mua gạo ăn trong tháng".

Trao đổi về những khó khăn của đội ngũ YTTB, lãnh đạo Sở Y tế đánh giá cao về sự cần thiết, hoạt động hiệu quả YTTB ở các huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới, nơi còn nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại cách trở, bà con dân tộc thiểu số còn gặp nhiều rào cản tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo vệ chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng, chế độ hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho nhân viên YTTB vẫn chưa tương xứng.

Với người trong cuộc, bác sĩ CK II Nguyễn Đắc Ngọc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế thông tin thêm, sắp đến ngành tiến hành rà soát, tổ chức lại đội ngũ YTTB, xây dựng đề án chính sách theo hướng nâng cao chất lượng ở các địa bàn khó khăn. Trong đó, đề xuất mức phụ cấp hàng tháng và kinh phí hỗ trợ đào tạo kỹ năng bằng cách phối hợp với các địa phương để lồng ghép nhân viên YTTB kiêm nhiệm thêm một số công việc tại thôn bản để họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hiện, có 729 nhân viên YTTB, đang hoạt động trong 105 xã trong toàn tỉnh. Các phường, thị trấn theo quy định của Chính phủ hiện nay không còn YTTB hoạt động). Đối với nhân viên YTTB đặc biệt (hoạt động ở xã miền núi, bãi ngang ven biển đầm phá) được hưởng 0,5 mức lương cơ bản (khoảng 700 nghìn đồng tháng); YTTB hoạt động ở các xã không thuộc diện đặc biệt được hưởng 0,3 (khoảng hơn 400 nghìn đồng/tháng). Hàng tháng, hàng quý nhân viên YTTB đều được đào tạo, tập huấn kỹ năng chuyên môn theo các quy định, thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bài, ảnh: Minh Văn