Ông Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức, là dịp để các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các vấn đề chính sách di cư quốc tế, từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần triển khai hiệu quả Thỏa thuận phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Phát biểu phiên khai mạc, ông Vũ Việt Anh khẳng định, GMC là thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư hướng đến tăng cường quản trị di cư toàn cầu nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay và thúc đẩy sự đóng góp của người di cư đối với phát triển bền vững, qua đó thực hiện mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” được nêu tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững.
Với việc thông qua thỏa thuận này, các nước đã thừa nhận hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di cư là khuôn khổ hiệu quả nhằm giải quyết các thách thức của di cư và quan trọng hơn, sẽ thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích của người di cư vì nền hoàn bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Ông Vũ Việt Anh nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia tích cực các vòng xây dựng, đàm phán, thông qua thỏa thuận GMC. Là một thành viên của thỏa thuận, Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép, mua bán người và bảo vệ quyền của người di cư, trong đó, hợp tác quốc tế là cần thiết để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý di cư.
Tại hội nghị, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam David Knight đánh giá tình hình di cư từ Việt Nam sang các quốc gia ngoài khu vực hiện nay, rất đa dạng về hình thức và phức tạp về mục đích. Trong hơn 1 thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến sự dịch chuyển của người di cư vì mục đích lao động, kết hôn, điều trị y tế… Những người di cư quay trở lại Việt Nam không chỉ mang theo nguồn vốn tri thức khổng lồ, hàng tỷ USD kiều hối mà còn đặt ra nhiều thách thức liên quan đến quyền và phúc lợi của người di cư.
Ông David Knight cho rằng, với việc đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng GCM, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường hiểu biết chung, chia sẻ trách nhiệm và thống nhất mục đích về di cư, là tất cả đều được hưởng lợi từ di cư.
Tại hội nghị, các chuyên gia về di cư quốc tế của Bộ Ngoại giao và IOM đã thảo luận về tình hình di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài, quá trình Việt Nam tham gia, đàm phán, thông qua Thỏa thuận, các mục tiêu của Thỏa thuận và việc triển khai tại Việt Nam cũng như ở cấp độ toàn cầu.
Thông qua Hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức liên quan sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề di cư quốc tế, nội dung của Thỏa thuận cũng như mối liên hệ giữa di cư với các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững.
Cùng với Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư vào tháng 9/2016 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực quản lý di cư, Thỏa thuận GMC đã được xây dựng và chính thức được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 vào ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên Hợp Quốc tán thành. Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM vào tháng 12/2018 và hiện nay đang tích cực xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận phù hợp với luật pháp và điều kiện của Việt Nam.
Theo VOV