Tỷ lệ thiệt hại có nơi từ 30 -40%

Xứ đồng Cao Xá, xã Phong Hiền được xem là vùng lúa cho sản lượng khá cao của huyện Phong Điền.

Vừa thu hoạch xong 1 ha ruộng, ông Hồ Thẩm, thôn Cao Xá đánh giá, tuy vùng này có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, chủ động được nguồn nước tưới, nhưng nắng nóng kéo dài cũng khiến năng suất chẳng được như ý. Vụ hè thu mọi năm năng suất đạt từ 3 -3,2 tạ/sào, nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 2,8 tạ/sào.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến ngày 16/8, toàn tỉnh thu hoạch được trên 8.000 ha lúa hè thu, dự kiến đến 30/8 sẽ hoàn tất công tác thu hoạch. Ước năng suất bình quân đạt khoảng 57 tạ/ha, thấp hơn gần 3 tạ/ha so với vụ hè thu trước. Những địa phương luôn dẫn đầu năng suất toàn tỉnh như Hương Thủy năng suất cũng chỉ đạt 55 tạ/ha; Quảng Điền 62 tạ/ha…

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lý giải, năm nay bà con nông dân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, một phần lúa chết do nhiễm phèn mặn, phần còn lại do chuột phá hoại, hơn 1.300 ha lúa hè thu phải gieo cấy lại hoặc mất trắng. Thời tiết nắng hạn kéo dài gia tăng tỷ lệ bệnh lem lép hạt (3.416); khô vằn  (4.174 ha)…, tỷ lệ thiệt hại có nơi từ 30 -40%, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng vụ hè thu.

Giá lúa thu mua giảm hơn 600 đồng/kg

Sau gần 1 tuần bám đồng cùng nông dân, ông Trần Đình Nam, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền thông tin, giá lúa thu mua tại các HTX, người dân chỉ khoảng 5.200 đồng/kg. Hai loại giống chủ lực của địa phương là TH5 và Khang Dân giá thu mua theo thứ tự là 5.100 và 5.300 đồng, riêng các giống lúa chất lượng cao giá khoảng 5.400 đồng/kg, so với mọi năm giá lúa thu mua đang thấp hơn từ 600 -700 đồng/kg.

Với giá lúa như hiện nay, trung bình mỗi sào người dân thu được khoảng 1,3 triệu đồng, giảm 500 -600 ngàn đồng so với các vụ trước đó. Rớt giá, khó bán, nhiều nơi, nông dân thu hoạch xong nhưng không tìm được người mua. Nhiều hộ lo ngại, việc dự trữ lúa lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lúa do khả năng bảo quản lúa trong dân không cao.

Ông Hồ Đắc Thọ chia sẻ, các HTX nên đứng ra liên kết hợp tác với các doanh nghiệp thu mua lúa gạo nhằm hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá. Nông dân cần đưa vào gieo sạ các giống lúa chất lượng cao, xác nhận đảm bảo năng xuất và sản lượng.

Các địa phương cần tập trung chỉ đạo thu hoạch diện tích lúa đã chín để hạn chế thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy. Theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại cuối vụ để có biện pháp quản lý, nhất là diện tích lúa trổ muộn (A Lưới, Phú Lộc). Nông dân cần giữ mực nước trong ruộng để hạn chế các đối tượng sinh vật gây hại bộc phát giai đoạn cuối vụ, chỉ tháo cạn nước trước khi thu hoạch 7 ngày. Thu hoạch sớm đối với diện tích lúa đã chín nhiễm rầy nâu mật độ cao, hạn chế thiệt hại.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, trong thời điểm thu hoạch đại trà, người dân nên hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng vì việc làm này sẽ khiến đất bị mất chất dinh dưỡng, khả năng giữ nước trong đất giảm, ảnh hưởng đến chất lượng các mùa vụ sau.

Rơm rạ sau thu hoạch cần được tái sử dụng. Hiện một số địa phương sử dụng máy gặt đập liên hợp cắt nhỏ rơm, rải trộn ngay trên đồng, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ; hoặc sử dụng máy cuộn để thu hoạch rơm thành từng cuộn dễ dàng vận chuyển.

Hoàng Anh