14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải có bờ biển kéo dài 1.900 km. Hễ đi qua miền Trung, rẽ xuống hướng Đông chừng trong vòng 10 -20 km, bất kỳ chỗ nào cũng gặp biển. Ở chừng mực nào đó, biển đã tạo ra động lực cho ngành du lịch phát triển. Tất nhiên bên cạnh biển thì còn nhiều yếu tố khác như cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, di sản và thậm chí là yếu tố con người. Tại Hội nghị Phát triển Kinh tế miền Trung vào hôm qua, 20/8 tại TP biển Quy Nhơn, trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh đến điều này.

Nói về phát triển du lịch, ai quan tâm đến dải đất miền Trung này (vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải)? Những con số thống kê chỉ ra rằng – đó chính là du khách nước ngoài. Năm 2018 cả nước đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế thì toàn vùng đã đón gần 11,9 triệu lượt khách quốc tế, nghĩa là cứ 10 người đến Việt Nam thì có đến (hơn) 7 người đến miền Trung. Có một điều đáng lưu ý là, người nước ngoài quan tâm đến miền Trung nhiều nhưng cũng xài tiền ở miền Trung ít nhất. Khách nội địa cả nước đón khoảng 80 triệu lượt thì đến miền Trung chỉ chiếm 32,6%. Tính tổng thể, doanh thu từ du lịch chưa được chỉ chiếm 19,4% cả nước.

Thế mạnh về du lịch của miền Trung là điều không cần bàn cãi, qua những số liệu nói trên. Nhưng mức chi tiêu của khách ở miền Trung là vào hàng thấp. Nói nôm na là họ đến nhiều nhưng tiêu tiền rất “dè xẻn”.

Bàn về phát triển du lịch miền Trung chính là ở điểm này – làm sao cho khách tiêu tiền nhiều hơn.

Đây là vấn đề phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, theo tôi thì cần quan tâm đến vấn đề chất lượng dịch vụ.

Doanh thu du lịch một phần rất lớn là nhờ lưu trú. Chúng ta đánh giá hết sức kỹ về vấn đề này. Rất có thể là khách đến nhưng khách “vội đi”. Ở Huế, số ngày khách lưu trú chỉ quanh quẩn dưới 2 ngày. Rất có thể miền Trung nói chung và Huế nói riêng chưa có những dịch vụ để kéo chân du khách dài ngày hơn. Họ ở dài ngày mới thu được tiền phòng (dịch vụ lưu trú), thu được tiền ăn, tiền “chơi”, tiền mua sắm… Mà muốn thu nhiều thì phải có những dịch vụ tương ứng.

Phải chăng khách đến miền Trung là “khách nghèo” !? Có lẽ cũng không phải. Hai thị trường khách lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc. Lượng khách này tăng đột biến trong chỉ vài năm gần đây. Nếu không có lượng khách quốc tế từ hai thị trường này thì chưa chắc miền Trung có con số tăng trưởng du lịch ấn tượng. Vì vậy một mặt hết sức hiểu nhu cầu của khách ở hai thị trường nói trên để gia tăng dịch vụ, thu thêm được nhiều tiền hơn. Mặt khác, cũng kích thích những thị trường khác phát triển để cân bằng thế phát triển, tránh rủi ro khi hai thị trường chính trục trặc.

Điều đáng mừng là những năm qua, ở nhiều tỉnh miền Trung đã gia tăng rất nhiều dịch vụ du lịch đẳng cấp, tức là đang trên đà thu được tiền của du khách nhiều hơn. Chúng ta nhìn vào du lịch Thừa Thiên Huế với những “ông lớn” đầu tư sẽ thấy rõ hơn điều này. Vì vậy nên cũng hy vọng du lịch miền Trung cất cánh !

Thanh Lê