1. Nhà sách mát mẻ, sạch sẽ, sách truyện phong phú và vừa mới vừa đẹp nên nhiều phụ huynh chọn đây làm điểm đến cho con trẻ. Cái này thì chẳng có gì phải bàn, nhưng điều đáng nói ở đây là ý thức. Người viết đã tận mắt nhìn thấy một số trẻ tầm 5-6 tuổi mang cả giày đạp lên vị trí ghế ngồi đọc sách. Vậy mà bố mẹ đi theo vẫn thản nhiên như không nhìn thấy gì và không hề nhắc nhở con mình không được làm như vậy! Mấy lần nhìn thấy cảnh tượng này, tôi phải nói với cháu bé không được mang giày đạp chân lên ghế ngồi, bởi không chỉ người khác mà chính cháu bé ấy cũng sẽ ngồi ở đó để đọc sách, và rằng đó là hành động không đẹp mắt chút nào.

2. Nhà sách nơi vốn là nơi cần yên tĩnh để mọi người có thể thư giãn đọc sách, nhưng nhiều trẻ lại vô tư hò hét và chạy nhảy ồn ào trong nhà sách như đang ở nhà. Phải chăng các em chưa được dạy phải giữ trật tự ở những nơi công cộng như nhà sách? Sự ồn ào không đúng chỗ này làm không ít người đang đọc sách cảm thấy khó chịu và nhân viên nhà sách phải rất vất vả trong việc nhắc nhở đám trẻ con giữ yên lặng.

3. Sách ở nhà sách tuy được đọc miễn phí nhưng không phải vì vậy mà không giữ gìn những cuốn sách ấy. Nhiều đứa trẻ giở sách rất mạnh tay khiến quyển sách mới toanh trở nên nhàu nhĩ, bị quăn góc và thậm chí là bị rách một phần chỉ sau một lượt xem/đọc. Lại có trẻ được ba mẹ lấy cho cả chồng sách, nhưng đọc xong không bỏ sách lại đúng với vị trí ban đầu. Vậy là, cả tụi nhỏ vô tư để bừa cả chồng sách vào một góc nào đó trên kệ sách khiến nhân viên nhà sách phải vất vả tìm lại vị trí đúng của từng cuốn sách.

Có ý thức giữ gìn sách, giở sách nhẹ nhàng để không làm hỏng sách, đọc xong phải trả sách lại đúng vị trí ban đầu,… những hành động dù nhỏ ấy cần giáo dục trẻ từ sớm. Ông bà ta thường nói: “Dạy con từ thuở lên 3”. Hiểu một cách đơn giản là ba mẹ cần dạy con từ rất sớm, bởi nếu ngay từ nhỏ không giáo dục cho trẻ ý thức trong mọi việc làm và hành động của mình thì khi lớn lên sẽ khó lòng uốn nắn và hình thành nhân cách tốt cho trẻ.

Đỗ Ngọc