Hát ở phòng trà chỉ còn là hoài niệm

Không chỉ anh Tôn Toàn, mà hầu hết anh em nghệ sĩ ở Huế đều thất nghiệp dài dài, không có đất diễn nên rất khó khăn. Ca sĩ Hồng Nhung - vợ anh Tôn Toàn tâm sự: “Trước đây phong trào ca nhạc ở Huế phát triển mạnh nhờ có nhiều tụ điểm phòng trà mọc lên. Hai vợ chồng mình đêm nào cũng đi diễn, cuộc sống ổn định. Nay phòng trà đóng cửa, các chương trình ca nhạc ở Huế cũng không có nên hai vợ chồng thất nghiệp, kinh tế khó khăn”.

Nhạc công guitar Nhật Bình nay phải chuyển qua công việc khác làm ăn, bởi không có đất dụng võ. Trước đây, Nhật Bình đầu quân cho phòng trà Guitar Hawaii ở Hội An - Quảng Nam, sau này khi Huế nở rộ phòng trà, Nhật Bình quay về Huế làm nghề và nay thì thất nghiệp do các phòng trà đóng cửa. Trò chuyện với tôi, Nhật Bình cho hay: “Huế là vùng đất văn hóa nhưng âm nhạc đương đại còn quá nghèo nàn. Để lo cuộc sống gia đình, mình phải đi làm thêm nhiều việc khác”.

Khác với những nhạc công, ca sĩ chỉ chuyên về lĩnh vực âm nhạc, nhạc công guitar Thành Nhân dù làm nhạc rất chuyên nghiệp, song nghề chính của Nhân là giáo viên dạy vật lý ở một trường THCS thuộc huyện Phú Vang. Nhân cho hay: “Hồi trước, mẹ mình không cho học trường nhạc mà bắt phải học chuyên ngành khác, chơi nhạc chỉ là cho vui thôi, thế là mình vào trường sư phạm học lý và học nhạc thầy ở ngoài. Nhờ vậy, mình có nghề chính đi dạy nên cuộc sống tạm ổn”.

Về vấn đề nhạc công, ca sĩ thiếu đất diễn, nhạc sĩ Việt Đức, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho hay: “Thời tôi còn đương chức, đã mạnh dạn đưa các loại hình âm nhạc đương đại ra biểu diễn hàng tuần trước công chúng tại Bia Quốc Học, công viên 3/2… ; thành lập Trung tâm biểu diễn ca nhạc nhẹ để anh em ca sĩ, nhạc công có đất diễn, song do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan nên cuối cùng cả hai lĩnh vực hoạt động không có hiệu quả".

Nhạc sĩ Lê Phùng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh tâm sự: “Từ lúc tỉnh mới bắt đầu tổ chức Festival Huế tôi đã có sáng kiến đưa các ban nhạc ở Huế ra biểu diễn ở công cộng và tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và đã được tỉnh chấp nhận, các ban nhạc hoạt động rất hiệu quả, sôi nổi. Sau khi festival kết thúc, hoạt động này cũng đã được duy trì được một thời gian dài, được công chúng đón nhận. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên âm nhạc đường phố không duy trì được và đến nay dường như đã im hơi lặng tiếng".

Để đời sống âm nhạc ở Huế hoạt động có hiệu quả, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách cụ thể như tạo điều kiện về kinh phí, mặt bằng để giúp các tổ chức, cá nhân có thể duy trì được hoạt động nghệ thuật, phục vụ công chúng và du khách.

Bài, ảnh: Gia Hân