Một điểm sạt lở ăn sâu vào đường dân sinh mà hồ nước gây ra sau khi khai thác cát (Ảnh chụp đầu tháng 8/2019)
Phớt lờ quy định
Năm 2015, UBND tỉnh cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng 368 (Công ty 368) khai thác cát làm vật liệu xây dựng tại khu vực Bãi Trằm (thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc). Theo nội dung giấy phép, DN được khai thác cát trên diện tích 3ha, sâu 3m so với hiện trạng, trữ lượng 65.000m3.
Thời gian hết hạn khai thác là ngày 24/12/2018. Trong văn bản yêu cầu hoàn thổ mặt bằng mà Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh gửi Công ty 368 đầu năm 2019, hạn cuối là 7 tháng kể từ khi hết hạn khai thác (24/7/2019); đồng thời yêu cầu đơn vị khai thác thực hiện các nhiệm vụ như trong giấy phép khai thác cát, bên cạnh hoàn thổ phải có phương án cải tạo bờ, thửa; đất dùng để san lấp là loại đất thải (nằm ở lớp dưới), chứ không được đá hoặc đất lẫn đá, lớp trên có thể trồng trọt được, nhằm trồng cây phục hồi môi trường.
Người dân cắm biển cảnh báo nguy hiểm
Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh khẳng định, DN đã vi phạm khi không hoàn thổ trong thời gian quy định. Trước đó, vào tháng 5/2019, ban cũng đã có văn bản nhắc nhở, yêu cầu Công ty 368 khẩn trương hoàn thổ mặt bằng và thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định.
DN sau khi khai thác đã đi khỏi Phú Lộc. Bao nhiêu lo lắng, mối nguy hiểm đều để lại cho người dân sống xung quanh mỏ cát. Quan sát chúng tôi thấy, sau khi khai thác cát, đã để lại hai hồ nước sâu, nguy cơ sạt lở, sụp lún cao, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người, động vật nếu bất cẩn rơi xuống.
Ông Lê Công An, hộ dân sống ngay bên cạnh hai hồ nước bức xúc: “Hồ nước rất sâu, sạt lở mỗi lúc thêm nghiêm trọng. Đã gần đến mùa mưa lũ, người dân chúng tôi lại thấp thỏm, lo sợ núi sạt lở. Con cái đi học nếu không cẩn thận dễ bị sẩy chân xuống hồ. Mùa mưa năm ngoái, sạt lở một đoạn đường dân sinh, không biết năm nay sẽ thiệt hại gì nữa”.
Yêu cầu hoàn thổ trước mùa mưa lũ
Không chỉ phớt lờ việc hoàn thổ, theo ông Phan Văn Trọng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc, vào cuối năm 2018, cơ quan chức năng tiến hành đo độ sâu khai thác của Công ty 368, việc khai thác cát đã vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 1m đến dưới 2m. Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định mức phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng. Dù phòng đã có văn bản xử phạt gửi đến địa chỉ đóng văn phòng công ty, nhưng tất cả nhân sự đã không còn ở Phú Lộc. Liên hệ qua điện thoại với giám đốc công ty cũng không được.
Ông Nguyễn Quang Dũng thông tin, trong văn bản Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh gửi Công ty 368 có nội dung, nếu DN không thực hiện quy định, sẽ có giải pháp nghiêm khắc hơn. Cụ thể, báo cáo UBND tỉnh và tham mưu phương án xử lý. Lý do phải báo cáo UBND tỉnh là vì mỏ cát Bãi Trằm do UBND tỉnh cấp phép, nếu Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh xử lý sẽ vượt thẩm quyền.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh, Công ty 368 đầu tư vào Phú Lộc ở hai dự án, mỏ cát Bãi Trằm và mỏ đá Khe Diều. Theo đó, sẽ tham mưu UBND tỉnh tạm dừng khai thác mỏ đá Khe Diều một thời gian, khi DN hoàn thành nhiệm vụ ở mỏ cát Bãi Trằm rồi cho phép mỏ đá hoạt động trở lại.
Được biết, dù chưa đổi tên mới, song Công ty 368 hiện đã chuyển nhượng mỏ đá Khe Diều lại cho một DN khác. Khi được hỏi về yêu cầu phải hoàn thổ ở mỏ cát Bãi Trằm, DN mới này cho rằng như thế là bất hợp lý, vì DN mới tiếp nhận lại mỏ đá Khe Diều, hoàn toàn không liên quan đến mỏ Bãi Trằm, không thể bắt DN phải chịu chi phí hoàn thổ.
Ông Nguyễn Quang Dũng cho biết, đó chỉ là thông tin, còn trên hồ sơ pháp lý chưa có văn bản nào chứng minh có sự chuyển nhượng giữa Công ty 368 với một DN khác. Hiện, Công ty 368 vẫn là chủ pháp lý của hai mỏ cát và đá. Ngay trong tuần tới, ban sẽ mời đại diện mỏ đá Khe Diều và Công ty 368 để làm việc, xử lý dứt điểm.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho biết thêm, nếu các phương án trên không đạt kết quả, còn một phương án nữa là Nhà nước sẽ dùng tiền ký quỹ môi trường của DN để hoàn thổ. Theo quy định, nếu DN hoàn thổ đúng quy định sẽ nhận lại số tiền ký quỹ đó, còn không, Nhà nước sẽ sử dụng hoàn thổ.
“Ban đã làm việc với các DN liên quan và yêu cầu phải hoàn thổ trước mùa mưa lũ năm nay để người dân yên tâm. Trường hợp DN tiếp tục chây ỳ, ban sẽ quyết định sử dụng quỹ để hoàn thổ và cũng đảm bảo với người dân rằng sẽ hoàn thiện trước mùa mưa lũ năm nay”, ông Nguyễn Quang Dũng khẳng định.
Bài, ảnh: Đức Quang