Bê tông hóa giao thông góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn

Nhìn vào số liệu, chúng ta thấy GDP bình quân đầu người của Thừa Thiên Huế còn ở mức thấp. Mức thu nhập ở khu vực nông thôn lại càng thấp hơn. So sánh thu nhập bình quân đầu người giữa hai khu vực nông thôn và thành thị thì thấy, mức chênh lệch thu nhập khá lớn. Nếu những giá trị tạo ra ngày càng lớn hơn và tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, công nghiệp, thương mại thì khoảng cách giàu nghèo giữa hai khu vực này sẽ càng ngày càng dãn ra.

Theo số liệu từ UBND tỉnh, năm 2018, GDP bình quân đầu người của Thừa Thiên Huế là 1.793 USD. Nếu lấy tỷ giá quy đổi 1 USD ăn 22.000đ thì thu nhập bình quân đầu người của người dân Thừa Thiên Huế ở vào khoảng hơn 39 triệu đồng/người/năm. Số liệu trong buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề  nông nghiệp và nông thôn mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 31,4 triệu đồng. Như vậy, thu nhập bình quân đầu người ở  khu vực nông thôn thấp hơn so với bình quân của toàn tỉnh, con số tuyệt đối đã là khoảng 7,6 triệu đồng.

Số liệu được công bố trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh: tính đến cuối năm 2017, người dân sống ở khu vực thành thị là hơn 563 ngàn người; ở khu vực nông thôn 591 ngàn người (lấy số tròn). So sánh giữa các con số: thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn – người dân ở khu vực nông thôn và thành thị - thu nhập bình quân của người dân toàn tỉnh, chúng ta sẽ thấy thu nhập bình quân của người dân ở khu vực thành thị là không dưới 46 triệu đồng, nghĩa là mức chênh lệch thu nhập giữa hai khu vực hơn 50%.

Như ở đầu bài đã nêu, nếu như kinh tế tập trung phát triển ở các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, công nghiệp, thương mại… (mà thực tế đã như vậy), chắc chắn mức chênh thu nhập của người dân ở hai khu vực không dừng lại con số 50%. Một điều kiện khác sẽ đẩy khoảng cách này ngày càng dãn ra là ở khu vực nông thôn ngày càng hứng chịu nhiều bất lợi hơn trước: biến đổi khí hậu làm cho mưa không thuận gió không hòa; thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi diễn ra nhiều hơn; chi phí cho sản xuất nông nghiệp ngày càng đắt đỏ sẽ làm cho sức cạnh tranh của nông sản không cao; cây lúa – một loại cây trồng chủ lực của người nông dân trong tỉnh rất ít có khả năng biến động giá theo hướng tăng lên… Những bất lợi này sẽ tạo áp lực về dịch chuyển dân cư, tạo áp lực cho thành thị.

Chính vì vậy, nếu chúng ta không xây dựng chính sách tốt để phát triển hài hòa giữa khu vực nông thôn và thành thị, chẳng những tạo ra sự bất bình đẳng mà còn không tốt cho cả hai khu vực.

Điều đáng mừng là Nhà nước đã có đủ chủ trương và chính sách cho việc phát triển khu vực nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới kéo dài trong mười năm qua đã cho thấy điều này. Ở tỉnh ta, tỉnh cũng ban hành các chính sách về thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển du lịch ở khu vực nông thôn…

Ông Nguyễn Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, giai đoạn 2016 – 2020, nguồn vốn đầu tư cho chương trình nông thôn mới của tỉnh là 1.943 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đối ứng của tỉnh là hơn 900 tỷ đồng. Nguồn vốn này cùng với nhiều nguồn lực khác đã tạo ra một bộ mặt nông thôn khác hẳn so với trước. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 44 xã/104 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chuẩn nông thôn mới có đến 19 chỉ tiêu bao gồm nhiều lĩnh vực. Ví dụ như bảo hiểm y tế đã có đến 98,82% người dân được hưởng. Có đến hơn 80% người dân sử dụng nước máy… Đó là cách, chúng ta phát triển hài hòa giữa hai khu vực nông thôn và thành thị.

Bài: LÊ PHƯƠNG - Ảnh: HOÀNG LOAN