Giải Nghĩa Dũng Karatedo mở rộng 2019 thu hút hơn 400 VĐV trong nước và quốc tế tham dự
1 - Huế được xem là cái nôi của Karatedo Việt Nam. Nhưng hơn 10 năm trở lại, “cái nôi” không phải là nơi quy tụ nhiều VĐV giỏi nhất. Cứ nhìn những giải vô địch quốc gia, ở đó, số huy chương, nhất là HCV võ sĩ Huế đem về vẫn còn một khoảng cách với nhiều tỉnh, thành, ngành khác, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quân đội…
Còn ở những sân chơi lớn hơn như SEA Games, ASIAD, riêng việc được góp mặt đã là một vấn đề chứ chưa nói đến chuyện giành huy chương. Tất nhiên, Karatedo Huế cũng từng có những võ sĩ từng góp mặt hay mang lại vinh quang ở những đấu trường khu vực, châu lục, như Nguyễn Thị Thảo Quyên, Lê Văn Lộc, Hà Kiều Trang, Bùi Tiến Thành…, nhưng so với việc đã và đang là “cái nôi” của Karatedo Việt Nam thì số VĐV và số lần góp mặt cùng thành tích của Karatedo Huế vẫn chưa xứng tầm.
Để trở thành một VĐV đỉnh cao đủ sức tham dự và giành thành tích tại các đấu trường lớn, ngoài tố chất còn phải phụ thuộc vào công tác huấn luyện và kinh phí. Và nếu so với một số tỉnh, thành khác, kinh phí rõ ràng là vấn đề Huế vẫn chưa bắt kịp, dẫn đến chuyện không có nhiều VĐV được tham dự cũng như giành thành tích ở những sân chơi lớn. Đó là một lý do, nhưng không phải là tất cả.
Tại SEA Games 29 (2017) ở Malaysia, võ sĩ Lê Minh Thuận đã giải tỏa cơn khát “vàng” cho Karatedo Huế sau 14 năm chờ đợi bằng tấm HCV đồng đội nam kể từ khi võ sĩ Hà Kiều Trang giành được tại SEA Games 2003. Tiếp đó, trong năm 2018, 2019, Lê Minh Thuận tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích đáng chú ý, mà gần nhất là 1 HCV đồng đội, 1 HCĐ cá nhân tại giải vô địch Đông Nam Á diễn ra tại Thái Lan vào tháng 4/2019. Bên cạnh Lê Minh Thuận, Karatedo Huế còn có một vài gương mặt đầy triển vọng như Hồ Thị Hạ, Hồ Đình Thuận, những võ sĩ giành HCB cũng tại giải vô địch Đông Nam Á nói trên.
Võ sinh của võ đường Bodankumi Dojo
Có thể thấy, sau hơn một thập kỷ “im hơi lặng tiếng”, Karatedo Huế đã có dấu hiệu hồi sinh, và đó là tín hiệu vui cho chặng đường phía trước của bộ môn này, dù tại SEA Games 30, với nhiều lý do khách quan lẫn “tế nhị”, Huế không có VĐV nào chiếm được suất tham dự ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
2 - Thật khó để thống kê cụ thể ở Huế có tất cả bao nhiêu người tập luyện Karatedo, nhưng phong trào có thể khẳng định nằm trong top đầu cả nước. Không chỉ vậy, từ những hệ phái, phân đường, võ đường ở Huế, phong trào đã lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành khác trên toàn quốc và nhiều nước trên thế giới cũng như Ba Lan, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha…
Trong thể thao, phong trào mạnh là điều kiện tiên quyết để xây dựng đỉnh cao vững chắc cả về chất lẫn lượng, cũng như có nhiều hơn cơ hội tham gia tranh tài và gặt hái thành tích ở những đấu trường lớn.
Chưa tính đến hệ phái Suzucho Karatedo và võ đường Bodankumi Dojo của võ sư Lê Văn Thạnh hay Cương nhu Karatedo của võ sư Nguyễn Văn Nhân, chỉ riêng số môn sinh khoảng 10.000 người của võ đường Nghĩa Dũng Karatedo, trong đó khoảng 1.000 môn sinh ở Huế, gần 5.000 môn sinh ở Đắk Lắk và khoảng 4.000 môn sinh ở các tỉnh, thành khác cùng một số nước trên thế giới đủ để thấy Karatedo ở Huế đã lan tỏa mạnh mẽ đến mức nào.
Tuy nhiên, với nhiều lý do, những hệ phái, phân đường, võ đường có tôn chỉ, mục đích riêng. Nhưng tựu trung, vẫn mong muốn cống hiến cho võ thuật, cho Huế và cho xã hội những công dân tốt, những VĐV giỏi, cả về chuyên môn lẫn đạo đức. Chỉ là, trong nhiều năm qua, sức mạnh và thành tích của tuyển Karatedo Huế vẫn chưa xứng tầm, và càng đáng tiếc hơn là khi đang có một phong trào lan tỏa mạnh mẽ đến vậy.
Lâu nay, trong làng Karatedo Huế vẫn râm ran câu chuyện bất đồng quan điểm (nhưng không phải “văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị”) giữa một vài hệ phái, phân đường, võ đường nên chưa thể thành lập hội hay liên đoàn như một số bộ môn khác. Điều này, vô hình trung khiến sự gắn kết cũng như sức mạnh của tuyển Karatedo tỉnh ở đấu trường khu vực, châu lục suy giảm rất nhiều.
Nói như võ sư Nguyễn Dũng Minh (Nghĩa Dũng Karatedo), từ tôn chỉ của mình, Nghĩa Dũng Karatedo đã đóng góp nhiều công dân tốt cho Huế, cho xã hội. Còn về câu chuyện đóng góp VĐV cho tuyển Karatedo tỉnh nói riêng, thể thao Thừa Thiên Huế nói chung thì chỉ cần ngồi lại với nhau và mở lòng hơn, mọi việc thể nào cũng có cách giải quyết.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG