Một buổi tối, cô bạn trọ ở đường Ngự Bình (TP Huế) dắt tôi ra khu vực mồ mả nơi chân núi. Bên nấm mộ, một hình hài nhỏ thó co quắp im lìm, miệng há hốc. Nếu cô bạn không nói trước, chắc tôi đã quỵ xuống vì sợ bởi hình ảnh khiến người ta nghĩ đến thây ma dưới mồ “đội’ lên.

Không ra hồn người

Đó là ông O, nhà ở đường Ngự Bình đang say rượu, nằm như chết. Hình ảnh người đàn ông bị cơn say “vật” xuống ngay bên những nấm mồ không còn lạ với người dân khu vực này. Hầu như ngày nào cũng vậy, ông O lang thang khắp nghĩa địa, kiếm rượu từ những ngôi mộ có người thân đến cúng. Uống. Say. Rồi ngủ luôn giữa thế giới của người chết. Khi nào tỉnh dậy mới xiêu vẹo lần về. Tháng bảy âm lịch hàng năm, người ta cúng càng nhiều, những cơn say của ông càng triền miên. Khi nào không kiếm được rượu cúng, ông mới đi kiếm ve chai bán lấy tiền mua rượu. Người vợ chán cảnh chồng say xỉn dặt dẹo, bỏ vào Nam cùng con.

Trong ngôi nhà tuềnh toàng ở đường Duy Tân, ông T nằm còng queo trước chiếc ti vi mở lớn tiếng. Nhưng tiếng ngáy của ông còn ồn ào hơn cả tiếng ti vi, mùi men tỏa ra nghẹt thở. Người chị gái kéo khách ra hông nhà, nén tiếng thở dài: “Như ri là còn may so với khi hắn uống tưng tưng rồi quậy phá, chửi bới. Hắn hơn 40 tuổi mà không vợ con, không việc làm, suốt ngày say xỉn. Tui một tay đi làm thuê vừa nuôi mẹ già bệnh tật, nuôi con đang đi học và còn phải nuôi báo cô hắn. Đòi tiền uống rượu mà tui không có để đưa, hắn càng quậy hơn. Chịu không nổi! Mới đây tui phải thuê nhà ở trọ. Nhưng mẹ đau ốm, lại phải dọn về chăm. Tui chịu đựng cái nạn ni khổ đã đành. Con gái tui càng tội nghiệp hơn, đầu óc lúc mô cũng áp lực bởi những trận chửi bới phá phách, không thể nào học được”.

Hơn 8 giờ tối, người quen dẫn tôi đến khu vực tượng đài Quang Trung. Đám thanh thiếu niên đang mê mải với trò chơi trượt pa tin. Bên rìa cỏ, người đàn ông trung niên đầu tóc rũ rượi, ngồi xiêu vẹo khật khưỡng. Đó là ông B, một “bợm rượu”. Hầu như đêm nào ông cũng xiêu vẹo, không ở khu vực này thì vật vờ xó xỉnh, trong khi vợ lam lũ, bán cháo từ chập tối đến khuya, nhặt nhạnh từng đồng tiền mồ hôi khó nhọc. Bà còng lưng làm lụng, nhưng nhà có “con sâu rượu” say xỉn vạ vật, nên không ngẩng mặt được với chòm xóm, cộng đồng. Cứ nhắc đến ông B, ai cũng lắc đầu “có ra hồn người mô”!

Thê thảm

Từ khi đứa con trai bị bắt rồi bị đi tù vì tội giết người, nhà mẹ T ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà u ám hẳn. Người mẹ hơn bảy mươi tuổi bị bệnh tim, nay lại càng quặt quẹo. Cứ mỗi lần nhắc đến con trai, bà lại cúi mặt xuống ống tay áo thấm nước mắt lặng lẽ. Bà nói không biết có còn sống được tám năm để chờ con ra tù? Mà con trai bà khi xưa rượu chè cũng bệnh tật đầy mình, không biết có sống nổi đến lúc hết hạn tù hay không?

Thực ra, từ ngày còn “ở nhà”, anh ta cũng đã khiến mẹ nhiều lần phải khóc. Một người bà con kể: “Bình thường hắn hiền lành lắm, cũng chăm chỉ đi làm thuê làm mướn. Nhưng hễ có rượu vào là biến thành con người khác hẳn. La hét. Phá phách. Có khi không về được đến nhà, hắn nằm lăn ra giữa đường, say khướt. Cái tật hắn như rứa nên cô vợ chán, đâm xục xịch mâu thuẫn. Hôm rượt đuổi chém vợ, người hắn cũng đã mụ mị men”. Trong kích thích của ma men, chém vợ rồi T ra bãi tha ma uống thuốc trừ sâu, nhưng không chết. Bị chồng rượt chém quyết liệt, nhưng người vợ cũng may mắn đã thoát chết.

Vết thương trên cơ thể có lúc sẽ lành, nhưng vết thương tinh thần chỉ có thể thành sẹo. T đi tù, người vợ cũng đâm đơn ra tòa ly hôn, bỏ vào Nam làm ăn. Đứa con trai nhỏ gửi lại cho bà nội nuôi, còn cha còn mẹ nhưng vẫn bơ vơ.

Theo thông tin từ ngành tòa án, rất nhiều vụ án hình sự như “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, “cố ý gây thương tích”, “giết người”… nguyên nhân bắt đầu từ say xỉn rượu bia. Tuy nhiên, tại Điều 48 Bộ luật hình sự về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, không có điểm nào quy định uống rượu say dẫn đến phạm tội là tình tiết tăng nặng.

Đối với mẹ Q (cũng ở xã Hương Thọ), tuy con chưa đến nỗi bị bắt ở tù, nhưng cũng từng bị công an xã “rờ gáy” vì say xỉn rồi vô cớ đánh đập ông lão hàng xóm. Mẹ Q từng khóc lóc tâm sự, tinh thần bà suy sụp, muốn uống thuốc chuột tự tử vì thằng con trai cứ rượu vào lại phá phách, gây sự.       

Không chém vợ, nhưng ông C ở đường Hồ Xuân Hương (TP Huế) lại chém hàng xóm đến nỗi phải đi tù. Vợ bỏ. Nguyên nhân cũng bắt đầu từ rượu bia quá chén. Hôm đó, “ma men” khiến ông C không làm chủ được tay lái, ngã xe vào cái bờ rào trong hẻm nhà mình. Cho rằng hàng xóm trồng bờ rào lấn chiếm đường đi, ông C chửi bới om sòm. Một anh hàng xóm khác can ngăn, bị ông C vác dao rượt chém túi bụi. Khi tỉnh rượu trong trại giam, người đàn ông này mới “ngộ” ra đã vuột mất tất cả: tự do, hạnh phúc gia đình. Nhưng quá muộn.

Đối với trường hợp ông T ở phường Phú Bình (TP Huế) lại còn “muộn” hơn, khi cả mạng sống ông cũng “tự tay” vứt bỏ. Mắc chứng nghiện rượu, bị ảo giác, một buổi sáng, ông ra khúc sông gần nhà, nhảy xuống cầu tự tử. Theo giãi bày của người vợ, ông chồng nghiện rượu từ bao giờ, bà không còn nhớ. Bà nói, cái thứ rượu giá chỉ mấy nghìn đồng, bao nhiêu là hóa chất độc hại mà ngày nào cũng “nạp” vô người thì thử hỏi làm sao không bệnh này tật nọ? Rượu phá nát lục phủ ngũ tạng nên chồng bà mắc nhiều bệnh, từng điều trị dài ngày ở Bệnh viện Trung ương Huế. Có lẽ do rượu phá hủy thần kinh nên chồng bà phải điều trị tại bệnh viện tâm thần 2 tháng. Ngoài thời gian nằm nội trú, khi được điều trị ngoại trú, người vợ đích thân chở chồng đi về, để bác sĩ thăm khám, phát thuốc. Tuy nhiên, người chồng kêu uống thuốc gì mà cứ bắt người ta ngủ miết, chán lắm, nên ông tự ý bỏ thuốc. “Có lẽ “con ma rượu” gây ảo giác, khiến chồng tui không làm chủ được hành vi, mới có hành động dại dột đến vậy”, bà vợ than thở não nuột.

Quỳnh Anh