Quốc lộ 49B đi qua hai xã Quảng Công, Quảng Ngạn chật hẹp
Trở lực
Nằm trên Quốc lộ 49B, các xã Quảng Công và Quảng Ngạn có nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tuyến đường đi qua các địa phương này vẫn còn chật hẹp, gây nhiều trở ngại trong việc đi lại và tổ chức các dịch vụ kinh doanh.
Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Lê Duận từng kiến nghị với các cấp, ngành quan tâm đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 49B, đoạn đi qua địa bàn xã, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ cá nhân có thể tổ chức kinh doanh dịch vụ tổng hợp, nhà hàng, nhà nghỉ, vật liệu xây dựng... Tuyến đường được mở rộng còn góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch biển, làng nghề nước mắm tại địa phương.
Ông Bùi Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho rằng, mặc dù nằm trên Tỉnh lộ 4 nhưng xã hầu như chưa có dịch vụ kinh doanh nào đáng kể. Đoạn đường đi qua địa bàn quá chật hẹp là trở ngại lớn đối với địa phương trong việc tổ chức các dịch vụ kinh doanh. Gần đây, địa phương có thế mạnh phát triển du lịch đầm phá nên đoạn đường đi qua địa bàn xã cần được mở rộng để xây dựng, tổ chức các dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ… nhằm phục vụ nhu cầu du khách.
Ông Phan Ngọc Chinh, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quảng Điền cho rằng, hệ thống giao thông đối ngoại nối trung tâm huyện, các địa phương đến thành phố Huế và các vùng lân cận có tầm quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bằng nhiều nguồn vốn huy động, huyện Quảng Điền đã và đang đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 61,6 km tuyến đường đối ngoại, như tuyến Quốc lộ 49B; các tuyến tỉnh lộ đi qua địa bàn huyện: 11A, 4, 19, 8A, 11C, 22, cầu Đan Điền, cầu Tứ Phú, đường nối Tứ Phú - Đức Trọng; mở rộng và nâng cấp đường Nguyễn Chí Thanh, đường tránh lũ Sịa - Phong Hiền. Đặc biệt, các tuyến Tỉnh lộ 11A và 19 đi qua trung tâm huyện được quan tâm đầu tư, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, giao thương và tạo mỹ quan đô thị.
Đến nay, mới chỉ có tuyến Tỉnh lộ 19 và Tỉnh lộ 11A qua địa bàn huyện được đầu tư cơ bản hoàn thiện về hạ tầng. Các hạng mục đã hoàn thiện như nền đường, mặt đường, vỉa hè, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thu và thoát nước dọc tuyến, các công trình trên tuyến đã góp phần thuận lợi cho người dân trong quá trình giao thông, trung chuyển hàng hóa từ nhiều nơi đến trung tâm huyện và ngược lại; kết nối phát triển vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đặc biệt vùng trung tâm huyện.
Các tuyến đường đối ngoại còn lại chỉ dừng ở việc đầu tư nền đường, mặt đường, quy mô rất hẹp nên chủ yếu phục vụ giao thông, dân sinh và một phần nhỏ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương.
Cần sự đầu tư đồng bộ
Theo Phòng Tài chính huyện Quảng Điền, trong giai đoạn 2016-2018, huyện Quảng Điền đầu tư trên 233,7 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông; trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh 105,761 tỷ đồng, huyện 31,754 tỷ đồng, còn lại là các nguồn tài trợ... Giai đoạn 2019-2020, huyện Quảng Điền huy động từ các nguồn đầu tư 28 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông; kế hoạch giai đoạn 2021-2025, đầu tư gần 105 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông đối ngoại... |
Theo ông Phan Ngọc Chinh, Quảng Điền có địa hình thấp trũng, thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt nên các tuyến đường đối ngoại rất nhanh hư hỏng cục bộ, xuống cấp, đòi hỏi chi phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp rất lớn, trong khi nguồn lực của huyện còn hạn chế.
Khoảng cách giữa trục Quốc lộ 1A qua các tuyến đường đối ngoại về trung tâm huyện khá xa. Hệ thống các tuyến đường tuy đã nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đồng bộ (nền, mặt đường hẹp, thường xuyên ngập lụt). Mặc dù huyện đã có nhiều giải pháp ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến đường vào khu công nghiệp cơ bản hoàn thiện nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hút các nhà đầu tư.
Giao thông đối ngoại còn thiếu, chưa đồng bộ đã ảnh hưởng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quảng Điền. Thời gian đến, huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương đầu tư hoàn thiện hạ tầng hệ thống giao thông đối ngoại theo hướng đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh phát triển đô thị để tăng khả năng kết nối vùng kinh tế trên địa bàn; cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp vào khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn huyện một cách bền vững, góp phần đưa Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 theo lộ trình.
Bài, ảnh: Hoàng Triều