Trình diễn máy cuốn rơm tại Phong Hiền

Vụ hè thu năm 2019, anh Hoàng Công Tấn, thôn Cao Xá, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền làm 1,5 mẫu ruộng. Mọi năm, anh mất gần 1 tuần để phơi, thu gom, vận chuyển rơm về nhà sau thu hoạch. Công việc thu gom, vận chuyển rất vất vả, cần nhiều nhân lực. Vụ hè thu năm nay, anh chỉ cần 1 ngày phơi rơm và 1 buổi để thu gom tất cả về nhà.

Theo anh Tấn, năm nay, gia đình anh nhận được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông (TTKN) máy cuốn rơm MRB 0850B. Máy được lắp đặt vào hệ thống máy kéo Kubota có sẵn của gia đình nên việc đầu tư đối ứng 50% (theo quy định của TTKN) với gia đình không quá khó khăn.

Máy cuốn rơm có thể hoạt động tốt trên nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau khi cuộn rơm đạt tiêu chuẩn kích thước và trọng lượng, máy sẽ có hệ thống báo hiệu tự động bằng còi. Tiếp theo, rơm sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động và cuộn rơm sẽ được nhả ra ngoài bởi bơm thủy lực đẩy mở cửa.

Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình trong thời gian từ 35 – 45 giây. Công suất thu gom rơm đạt từ 50-80 cuộn/giờ (công suất thực tế lệ thuộc trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy), trung bình mỗi sào thu được 6-10 bó rơm. Máy có thể thu gom 4 ha/ngày, tương ứng với 600 cuộn rơm.

“Ngoài làm nông, gia đình tôi đang phát triển trang trại theo mô hình VAC, mỗi năm chăn nuôi gần 100 con trâu bò, gần 1.000 con gà… nên nhu cầu rơm làm thức ăn, độn chuồng, che phủ cây trồng từ 60 tấn rơm khô/năm. Thường tôi tốn rất nhiều thời gian thu gom rơm về dự trữ, diện tích chứa rơm cũng rất khó khăn, việc cất giữ cũng không mấy thuận lợi. Vì thế, máy thu gom, cuốn rơm giúp gia đình rất nhiều trong quá trình thu gom, lưu trữ rơm”, anh Tấn chia sẻ.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN tỉnh nhẩm tính, mỗi năm toàn tỉnh gieo cấy 54,5 ngàn ha lúa. Nếu mỗi ha lúa cho 4 tấn rơm khô sau thu hoạch thì lượng rơm khô thải trên đồng ruộng khoảng 220 ngàn tấn, chưa tính gốc rạ. Hiện phần lớn rơm rạ sau thu hoạch được đốt ngay trên đồng, gây hại rất lớn cho môi trường sức khỏe con người và lãng phí.

Việc đốt rơm rạ khiến các loại côn trùng có ích bị tiêu diệt gây mất cân bằng sinh thái đồng ruộng, sâu bệnh phát triển, việc đốt cháy rơm rạ sẽ khiến đất trồng lúa bị khô cằn, mất nước, chất dinh dưỡng. Ngoài ra, việc đốt rơm rạ phát sinh khói gây ô nhiễm không khí, gây hiệu ứng nhà kính…

Chỉ một số ít rơm rạ được người dân thu gom làm nguyên liệu trồng nấm rơm, cho bò ăn…tuy nhiên việc thu gom bằng phương pháp thủ công, mất thời gian lại tốn nhiều chi phí. Vì thế, mô hình ứng dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp giúp nông dân giảm chi phí thu gom rơm; giảm ngộ độc hữu cơ trong sản xuất lúa; giảm ô nhiễm môi trường do hạn chế đốt đồng; cung cấp nguồn nguyên liệu phát triển nghề trồng rau, nấm rơm, chăn nuôi bò… góp phần hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ông Hồ Vang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ ở Khánh Hòa, cách đây 3 năm tình trạng đốt rơm rạ, lãng phí rơm diễn ra thường xuyên thì nay đưa máy này vào vận hành tình trạng đốt rơm trên đồng đã hạn chế. Người nông dân thay vì lãng phí rơm rạ giờ có thêm thu nhập từ 200-300 ngàn đồng/sào từ việc thu gom rơm rạ, việc tái sử dụng rơm rạ cũng mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Theo ông Vang, chính quyền địa phương, các HTX nên tăng cường tuyên truyền người dân hạn chế việc đốt rơm rạ trên cánh đồng, nhân rộng các mô hình tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tái sản xuất hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Bài, ảnh: Hoàng Loan