Học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú A Lưới đến trường

Huyện A Lưới có 9 trường trung học cơ sở (THCS). Năm học 2018- 2019, toàn huyện huy động được 2.681 học sinh, trong đó, có 31 học sinh bỏ học. Đáng nói, không có nhiều em nghỉ học chọn học nghề để lo cho tương lai.

Học chữ đã khó đối với học sinh người dân tộc nên định hướng học nghề được xem là giải pháp hữu hiệu đối với giáo dục A Lưới. Công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề truyền thống cho học sinh được đẩy mạnh trong trường học. Những tiết học nghề về dệt zèng, đan lát, may công nghiệp, nấu ăn, nuôi ong lấy mật, kỹ thuật trồng chuối, bảo vệ rừng tái sinh... đã được đưa vào giảng dạy cho học sinh khối 8, khối 9.

Em Hồ Văn Tuấn, học sinh lớp 9 Trường THCS Quang Trung, cho hay: "Mỗi tuần, nhà trường dạy nghề cho học sinh nên em biết kỹ thuật trồng chuối. Em phụ giúp bố mẹ từ kiến thức đã học. Sau này, em có thể học nâng cao để tăng gia sản xuất trong gia đình".

Hiện nay, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không tiếp tục học lên bậc THPT còn nhiều. Hằng năm, huyện A Lưới có khoảng 75% học sinh học THPT. Kết quả phân luồng học sau THCS đối với học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn A Lưới thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra. Nhiều em không học nghề mà ở nhà để lao động cùng gia đình. Đây được xem là điểm yếu trong công tác hướng nghiệp ở bậc THCS.

Kết quả phân luồng học sinh thấp hơn so với chỉ tiêu là do nhận thức của người dân. Xu hướng và tâm lý xã hội vẫn còn chạy theo bằng cấp, vị trí việc làm sau tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, hệ thống trường nghề, cơ sở chính sách phân luồng chưa hấp dẫn người học, chưa có sự liên kết giữa các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với các doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động trong tỉnh để xác định nhu cầu vị trí việc làm.

Trong quá trình đào tạo nghề, đối tượng này cũng nhận được rất nhiều sự đãi ngộ về học bổng, miễn học phí, chỗ ở và nhiều chế độ khác. Do đó, nếu không trao cơ hội tiếp tục học nghề sau khi tốt nghiệp THCS chính là sự lãng phí nguồn nhân lực và thiệt thòi cho các em. Ông Trần Viết Văn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho hay.

Việc đặt ra mục tiêu đào tạo hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS, nhất là học sinh dân tộc thiểu số, là rất quan trọng. Sau khi tốt nghiệp THCS không tiếp tục học THPT hay học nghề mà tham gia thị trường lao động đã phần nào cho thấy thực trạng đáng báo động trong việc phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 522/QĐ-TTg, phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Một trong những mục tiêu của đề án là đến năm 2020, ở những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có ít nhất 50% trường THCS có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ này được nâng lên ít nhất 30%).

Để đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề, tránh tình trạng bỏ học sớm để tham gia thị trường lao động thì phải có lộ trình và làm quyết liệt trong công tác hướng nghiệp và phân luồng. Nếu không, việc xây dựng mục tiêu để rồi phải “rượt đuổi” sẽ luôn là một khả năng không thể tránh.

Bài, ảnh: Huế Thu