Thanh trà Hương Vân được truy xuất nguồn gốc bằng tem QR code
Uy tín cho sản phẩm
Phường Hương Vân (TX. Hương Trà) là một trong 5 vùng trọng điểm trồng cây thanh trà của tỉnh và cũng là đơn vị thứ hai trên địa bàn tỉnh áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất thanh trà.
Việc phát triển mô hình sản xuất thanh trà theo quy trình VietGAP là phương thức canh tác giảm phát thải, tăng năng suất, chất lượng và hạn chế tối đa các tác động đến môi trường tự nhiên, đồng thời góp phần tăng cường chất lượng nguồn giống. Ở Hương Vân đã có 65 hộ dân đăng ký mô hình sản xuất thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP, được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch thanh trà theo các tiêu chuẩn VietGAP.
Để nâng cao uy tín cho sản phẩm, Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp (HTX) Hương Vân đã ứng dụng công nghệ QR code cho sản phẩm. Đây cũng là sản phẩm thanh trà đầu tiên trên thị trường xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc bằng QR code nhằm phục vụ chuỗi cung ứng; phục vụ người tiêu dùng về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; phục vụ cho cơ quan ban ngành liên quan về quản lý nguồn gốc, quy trình chất lượng.
“Mã phản hồi nhanh (QR code) được in trên tem gắn lên mỗi quả thanh trà đạt tiêu chuẩn, do thành viên HTX Hương Vân sản xuất. Khi khách hàng dùng điện thoại thông minh để quét mã QR code trên tem sản phẩm thì sẽ dễ dàng truy xuất được thông tin về nguồn gốc cũng như các tiêu chuẩn về chất lượng của sản phẩm.
Việc ứng dụng công nghệ cao là bước tiến mới góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu thanh trà Hương Vân, đồng thời là bước chuẩn bị để đưa đặc sản này vươn ra thị trường lớn”, ông Trần Công Dịu, Giám đốc HTX Hương Vân chia sẻ.
Hiện, nông sản ở một số cơ sở trên địa bàn tỉnh đã thực hiện gắn tem truy xuất QR code lên sản phẩm, như, Công ty TNHH MTV nông sản hữu cơ Quế Lâm, Công ty TNHH hữu cơ Huế Việt….
Thông qua ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể kiểm tra những thông tin về cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, quá trình vận chuyển, hạn sử dụng của những nông sản được sản xuất ở các địa phương như, bưởi da xanh, chuối già lùn, thịt heo… Đây như “thẻ căn cước” của sản phẩm, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH hữu cơ Huế Việt cho biết: “Nhờ truy xuất được nguồn gốc, các sản phẩm nông sản bày bán tại các cửa hàng của công ty tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng. Trong bối cảnh “nhập nhèm” về nguồn gốc sản phẩm hiện nay, việc dán tem QR code giúp làm tăng uy tín cho sản phẩm. Tại công ty chúng tôi đang có khoảng 7 sản phẩm nông sản được dán tem QR code”.
Hướng đến chuỗi giá trị
Nông sản tại Thừa Thiên Huế được truy xuất nguồn gốc bằng hình thức dán tem QR code hiện vẫn chưa phổ biến. Ngoài những doanh nghiệp có kênh phân phối sản phẩm rõ ràng thì đa số nông sản của người dân vẫn chưa tiếp cận với hình thức này. Song, nhu cầu của thị trường về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất lớn.
Thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản (NLTS) tỉnh, thời gian qua, đơn vị này đã hỗ trợ khoảng 200.000 tem QR code. Hầu hết các đơn vị được hỗ trợ hình thức này đều đã xây dựng được các chuỗi giá trị. Sau khi áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng QR code, giá trị của sản phẩm tăng lên rõ rệt.
“Trên thị trường đang tồn tại rất nhiều sản phẩm na ná nhau. Trong khi chọn hàng hóa chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR thì sẽ ra thông tin rất cụ thể về sản phẩm. Nếu có nhiều sản phẩm được dán tem QR code thì người tiêu dùng sẽ có thêm niềm tin và biết được nhiều thông tin hữu ích về Huế chỉ trên một sản phẩm”, chị Đỗ Thị Thúy (phường An Tây, TP. Huế) chia sẻ.
Theo ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS tỉnh, việc ứng dụng QR code để truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản giúp người tiêu dùng và nơi sản xuất có thể truy xuất thông tin nhanh chóng. Nhà sản xuất cũng sẽ “danh chính ngôn thuận” với sản phẩm của mình. Qua đó, giúp sản phẩm của người dân đứng vững trên thị trường, đồng thời tạo cơ hội vươn tầm ra các thị trường khác.
Sẽ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nem chả “Truy xuất nguồn gốc bằng QR code là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp. Chi phí cho việc này vào khoảng 70-80 triệu đồng. Vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ một số đơn vị xây dựng hình thức này. Đây là xu hướng tương lai và chỉ những sản phẩm xây dựng được chuỗi giá trị và đạt chuẩn an toàn mới được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc bằng QR code. Mặc dù các sản phẩm đã được dán tem QR code nhưng chúng tôi cũng phải thường xuyên giám sát. Sắp tới chúng tôi sẽ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc bằng QR code cho các sản phẩm nem chả và các đặc sản của địa phương”, ông Khoa nói. |
Bài, ảnh: Lê Thọ