Thầy giáo Văn Bửu (bên trái) về tận nhà vận động học sinh đến lớp
Không bỏ cuộc
Chúng tôi đến nhà em Hồ Văn Hoàng, người dân tộc Cơ Tu ở thôn Giêng Mai (A Ngo) khi em vừa từ Đà Nẵng trở về A Lưới để kịp tựu trường. Hoàng là con trai lớn trong nhà có ba anh em. Năm trước, do nghe bạn rủ rê, em nghỉ học giữa chừng. Mẹ Hoàng bộc bạch: “Ngày nào mình cũng nhắc nó đi học, nhưng thấy bạn đi làm thuê, có tiền mua điện thoại, quần áo mới… nên nó thích được như vậy. Gia đình cũng hết cách khuyên răn”.
Tưởng chừng buông xuôi thì thầy giáo Văn Bửu, Trường trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, chủ nhiệm Hoàng năm lớp 9, vẫn giữ liên lạc để vận động em về quê tiếp tục học hành. Cứ học xong lớp 9, sức học không tốt sẽ hướng nghiệp cho em học nghề. Thầy kiên trì phân tích cái lợi của việc biết chữ, cộng thêm, Hoàng không kham nổi công việc nặng nhọc nên em quyết định về quê học lại.
Hơn 20 năm làm nghề “đưa đò”, thầy Bửu vận động không biết bao nhiêu trường hợp về lại lớp học nên tình trạng nghỉ học giờ đã giảm rõ rệt. Tùy điều kiện từng địa bàn, tập quán thầy lựa chọn cách tuyên truyền, động viên phù hợp. Muốn đồng bào nghe, hiểu và làm theo, thầy Bửu có khá nhiều biệt tài, nói tiếng dân tộc giỏi, đi đường rừng tốt, làm rẫy cũng rành… cộng thêm lòng nhiệt tình, tận tâm với học trò khiến phụ huynh tin tưởng.
Tình trạng học sinh nghỉ học vài ngày rồi lại đến lớp là chuyện không lạ ở A Lưới. Người dân chủ yếu làm nương rẫy, một số ít đi làm thuê để mưu sinh nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Có em đi học “bữa đực, bữa cái” vì phải phụ giúp bố mẹ. Nghỉ học quá nhiều ngày, khi quay trở lại lớp học, khả năng tiếp thu bài của các em chậm cũng là nguyên nhân dẫn đến bỏ học. Thế nên, chỉ cần học sinh nghỉ hai ngày không phép là giáo viên sẽ tìm cách liên hệ với gia đình.
Trách nhiệm và tình thương
Gắn bó với nghề giáo hơn 20 năm cũng là từng ấy năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục miền núi, cô Hoàng Thị Đảng, giáo viên Trường tiểu học Hồng Bắc tâm sự trong nỗi bâng khuâng: Nhiều em đến trường thiếu thốn đủ điều, không sách vở, cặp, bút... Thế nên, giáo viên ở đây lúc nào cũng dành dụm tiền mua vở, bút để sẵn cho các em. Chúng tôi từng đi bộ mấy cây số vào tận rẫy, thuyết phục phụ huynh, kêu gọi các em quay trở lại trường. Đến nhà mới biết, học trò nghèo quá, không có phương tiện đến trường nên bỏ học. Ngay sau đó, chúng tôi vận động được xe đạp. Vui thay, các em ấy tiến bộ rất nhiều sau khi được nhận sự giúp đỡ.
Trường trung học cơ sở Quang Trung (Hồng Quảng) nằm gần vành đai biên giới Việt - Lào. Đây là ngôi trường của gần 500 học sinh đến từ 4 xã: Nhâm, Hồng Thượng, Hồng Quảng và Hồng Thái. Nhiều em nhà cách xa trường 4-5km, đường xá khó đi. Ngày trước, học sinh đến trường thường bụng đói khi bố mẹ không cho ăn sáng, có em ngất xỉu tại lớp. Thế nên, nhà trường vừa vận động phụ huynh cho con ăn đủ bữa, giáo viên lúc nào cũng có sẵn thức ăn để tiếp sức cho các em.
“Năm học 2016 - 2017, cả trường có gần 40 em học sinh bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn. Từ sự vận động của nhà trường, trong năm học 2018 - 2019 tình trạng học sinh bỏ học tại đây đã được cải thiện, thầy Thái Nam, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Quang Trung, thông tin.
Mưa dầm, thấm lâu
Đầu năm học mới luôn là thời điểm thầy cô phải tập trung cao điểm để đưa học sinh trở lại lớp sau kỳ nghỉ hè. Trước ngày khai giảng, giáo viên phải chia nhau đến tận nhà những em thường theo cha mẹ lên rẫy để thông báo lịch học, vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Thế nên, giáo viên phải kiên trì, chọn thời điểm thích hợp mới gặp được.
Toàn huyện có 51 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông với khoảng 12.000 học sinh. Đến thời điểm này, 100% trẻ mầm non, trẻ vào lớp 1 trên địa bàn đã được đến trường. Bình quân mỗi năm tỷ lệ trẻ nghỉ học giảm khoảng 1%. Năm học 2018 - 2019, toàn huyện chỉ còn 0,6% học sinh ở khối tiểu học nghỉ học. |
Xung quanh chuyện vận động học sinh ra lớp cũng có nhiều vấn đề để ngẫm nghĩ. Không ít gia đình, khi đoàn tìm đến nơi thì phụ huynh đi vắng, hoặc rất nhiều học sinh tránh mặt khi biết có người đến vận động đi học. Nhiều giáo viên phải nhờ đến sự giúp đỡ của già làng làm công tác tư tưởng với phụ huynh cứ theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”.
Chị Hồ Thị Hen, mẹ em Nguyễn Thị Giang, dân tộc Tà Ôi ở thôn Ta Roi (A Ngo) nhớ lại: Chồng mất sớm, thuộc diện hộ nghèo khi ba mẹ con và mẹ già chỉ trông vào mấy sào ruột còi cọc. Con bé không tự đến lớp, ngày nào tôi cũng phải cõng đi học. Ngày nào tôi bận đi làm, giáo viên chủ nhiệm đến nhà đưa cháu đến trường. May mà nhờ có thầy cô kiên trì vừa chăm sóc, vừa dạy dỗ nên giờ đây cháu đã lên lớp 7, tự tin hơn rất nhiều.
Chia sẻ kinh nghiệm vận động học sinh bỏ học trở lại trường, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới Trần Viết Văn cho hay: Đó là sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị khi theo dõi, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn đến lớp. Nhiều chính sách tập trung cho các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số thực sự đi vào cuộc sống. Diện mạo giáo dục ở A Lưới đã có nhiều thay đổi nhờ hệ thống chính sách phát triển giáo dục được ban hành khá đầy đủ.
Bài, ảnh: Thu Huế