Lúc ấy, Tam Cốc đã qua mùa lúa, nên dòng Ngô Đồng không còn đẹp mê hồn với màu rực vàng của mùa vụ như trên các bức ảnh mà tôi đã xem nữa. Nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn nghĩ chẳng có gì để phải hối tiếc khi đến nơi này, trong một tour ngắn ngày không đến nỗi phải quá chừng vội vã. Những chiếc thuyền bằng i-nốc lướt sóng nhẹ thênh giữa dòng, đôi bên là sen lẫn vào những chân rạ cũ. Lá sen ở đây trông cũng mỏng mảnh chứ không to và dày như sen ở Tràm Chim (Đồng Tháp), cho dù cũng đã cuối vụ. Vài ba chú chim lẻ loi đáp xuống kiếm mồi trên mặt nước. Tiếng ríu rít của đám trẻ con thuyền bên và những cái nhoài người để chụp các kiểu ảnh của khách Tây trên các con thuyền đã làm cho không gian trở nên sóng sánh. Hang Cả có lẽ là dài nhất và tôi cứ có cảm giác ngờm ngợp sợ đá va vào đầu mình vì chúng quá thấp, nhưng cách mà Linh mủm mỉm bảo không sao cũng cho thấy, cô bé rất tự tin để lái con thuyền của mình đi trên một vùng tối. Cũng có thể, Linh đã có cả thời thơ ấu ở đây nên khi tham gia vào đội thuyền đông cả trên 1.000 chiếc ở xã Ninh Hải này, cô bé chỉ cần “chèo vài ba ngày là được ạ”. Thế nên khi qua hang Hai và hang Ba, tôi không còn thấy sợ nữa. Phần vì hai hang em út này cũng không dài như hang Cả.

Câu chuyện không mấy nhiều trên chiếc thuyền nhỏ với vài ba khách cũng đủ để tôi biết thêm một chút về cô bé 17 tuổi. Chiếc thuyền này là gia tài bố mẹ giao lại cho con gái. Chưa đến năm học mới nên cứ 3 ngày một lần, Linh lại ra bến thuyền đón khách (ở đây mỗi gia đình chỉ được có 1 thuyền và vì quá đông nên vòng quay là 3 ngày một chuyến. Mùa vắng khách thì vòng quay có khi còn dài hơn). 150.000 đồng là thù lao cả chuyến đi lẫn chuyến về. Hôm nào được khách bồi dưỡng thêm tý chút thì vui cô ạ - Linh nói – dù không thường xuyên”. Tính ra mỗi tháng, nhà Linh cũng có thêm khoảng 1,5 triệu từ nghề này. “Nên ba mẹ cháu cũng phải kiếm thêm các công việc khác. Cháu lớn rồi, nên ra đây chèo thuyền thay ba mẹ. Nhà có thêm em, và năm học mới cũng sắp đến với bao nhiêu thứ phải lo mà”…

Nghĩ đến cảnh con nhà mình giờ này đang trong giờ học kèm tiếng Anh ở nhà, tôi xa xót hỏi Linh có tranh thủ học thêm tiếng Anh để nói chuyện với khách Tây không, cô bé bảo cháu chỉ biết chút ít thôi vì nhà cũng có lắm việc để phụ giúp bố mẹ quá. Với lại khách Tây nói cứ nhanh nhanh là…

Không ngoái lại để cô bé khỏi ngượng nghịu như tôi đã làm lúc xuống thuyền được một lát, tôi giơ điện thoại như kiểu tự sướng. Phía sau là màu bánh mật trên gương mặt hiền hậu, thật thà của cô bé sau vành nón, sau cả chiếc ô cũ che thêm để khỏi nắng. Đôi chân của Linh vẫn nhịp nhàng trên mái chèo. Hình như cô bé biết, nên khẽ cười và bảo “thế nào cháu cũng để dành để lúc nào đó đi Huế một chuyến, vì người ta bảo ở đấy đẹp lắm, phải không cô…”?

An Nguyên