Trâu là một trong những con mồi yêu thích của rồng Komodo tại Công viên Quốc gia Komodo – Indonesia. Ảnh: UNESCO.
Kế hoạch này cũng ảnh hưởng đến khoảng 2.000 dân làng, buộc họ di dời ra khỏi hòn đảo. Cơ quan chức năng đang đàm phán với các nhà lãnh đạo cộng đồng về kế hoạch di dời, ông Josef Nae Soi - Phó Thống đốc tỉnh East Nusa Tenggara cho biết.
Chính phủ Indonesia hy vọng rằng việc đóng cửa hòn đảo sẽ làm giảm nguy cơ loài bò sát này bị săn trộm và cho phép phục hồi số lượng các con mồi ưa thích của loài động vật này như hươu, trâu và lợn rừng.
Hòn đảo có thể được mở cửa trở lại sau một năm, nhưng Chính phủ lại có kế hoạch là biến nó thành một điểm du lịch cao cấp, ông Soi nói.
Dân làng sống qua nhiều thế hệ trên hòn đảo Komodo này đương nhiên phản đối kế hoạch di dời của chính quyền địa phương.
“Chúng tôi đã sống gắn kết với ngôi làng này trong nhiều năm”, một dân làng tên Dahlia nói. “Mồ mả của cha tôi và tổ tiên của tôi đang ở đây. Nếu chúng tôi di dời đi nơi khác, ai sẽ chăm sóc những ngôi mộ đó?”.
Trong năm 2018, hơn 176.000 khách du lịch đã đến thăm Công viên Quốc gia Komodo – một khu bảo tồn tọa lạc giữa các đảo Sumbawa và Flores. Toàn bộ khu vực này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1991.
Khoảng 1.700 con rồng Komodo được ước tính hiện sinh sống trên đảo Komodo. Các hòn đảo khác gần đó như Rinca và Padar trong khuôn viên công viên quốc gia là nơi cư ngụ của hơn 1.400 con rồng khổng lồ này vẫn sẽ mở cửa đón khách du lịch.
Anh Tuấn (Lược dịch từ Reuters).