Một khu chợ ở Việt Nam. Ảnh: Business Times

Mặc dù Việt Nam cũng có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, nhưng Bộ phận nghiên cứu Fitch Solutions Macro Research của Fitch Group (tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới) cho rằng nhiều khả năng nước này sẽ không phải đối mặt với việc tăng thuế quan trong thời gian tới.

Với nhu cầu trong nước mạnh mẽ và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng, các nhà kinh tế của UOB dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019 sẽ đạt 6,7%, không khác biệt nhiều so với mục tiêu tăng trưởng chính thức 6,8%. Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,8%.

Môi trường lãi suất có thể sẽ tiếp tục duy trì lợi thế, với kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 6,25% trong những tháng còn lại.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa hạ nhiệt và thuế quan ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã phải cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất sang các địa điểm khác, trong đó có Việt Nam.

"Một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng công cộng, bao gồm xây dựng mới hệ thống đường sá và đường cao tốc và phát triển ngành logistics (dịch vụ hậu cần) dự kiến ​​sẽ hoàn thành trước năm 2030, sẽ cho phép Việt Nam cạnh tranh với các nước khác ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng để trở thành trung tâm logistics của ASEAN", các nhà kinh tế nói thêm.

Ngoài ra, chi phí lao động ở Việt Nam tương đối thấp. Tiền lương tối thiểu hàng tháng tại Việt Nam dao động từ 126 USD – 180 USD giữa các vùng trên cả nước. Mức chi phí này chỉ tương đương với từ 38%-54% của Trung Quốc, và cũng thấp hơn mức trung bình 274USD/ tháng của Thái Lan.

Trong năm 2019, vốn FDI của Việt Nam đang trên đà vượt mốc 20 tỷ USD khi các công ty đa quốc gia chuyển hướng hoạt động từ Trung Quốc sang, các nhà kinh tế ước tính. Theo dự báo, các nguồn đầu tư chính là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc).

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc là nước đóng góp lớn nhất cho FDI của Việt Nam, chiếm đến gần 25% trên tổng số, khác với 2 năm trước đây khi dòng vốn bị chi phối bởi Hàn Quốc và Nhật Bản. "Điều này cho thấy tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung phát sinh trong nửa đầu năm 2018 đang có tác động rõ rệt đối với các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc", các nhà kinh tế của UOB nhận định.

Không giống như những năm trước khi vốn FDI được phân phối đồng đều hơn giữa các ngành công nghiệp, gần 75% dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2019 đến nay vẫn tập trung vào sản xuất.

Đang chú ý, việc triển khai thử nghiệm thành công mạng 5G có khả năng sẽ thu hút thêm vốn FDI trong các ngành công nghệ cao khi Việt Nam có kế hoạch đưa 5G vào hoạt động thương mại vào năm 2020.

Trong một lưu ý được đưa ra ngày 21/8, Fitch Solutions Macro Research đã phân tích đến nguy cơ Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với hành động thuế quan từ Mỹ, vì Việt Nam là quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn thứ 6. Tuy nhiên, khó có khả năng Việt Nam phải chứng kiến ​​hành động thuế quan lớn từ Mỹ trong thời gian tới, Fitch Solutions cho biết.

Đầu tiên, với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn còn tăng cao, "Mỹ có thể sẽ tập trung vào Trung Quốc, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị tái tranh cử vào tháng 11/2020", báo cáo cho biết. Thứ hai, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Mỹ đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, các nhà kinh tế cho biết thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ đã tăng cường quan hệ an ninh với Việt Nam trong những tháng gần đây.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Business Times)