Cách đây 4 ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã ký văn bản chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản (BĐS). Trong công văn có nêu rõ: “Các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng của mình kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư phát triển hạ tầng; các dự án đã được phê duyệt; các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu tư thổi giá BĐS để thu lợi bất chính”.

Có lẽ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo điều này là vì thị trường BĐS thời gian vừa qua có sự biến động rất mạnh. Nó như con ngựa bất kham và nhiều người nhận định rằng đây là hiện tượng “thổi giá”, “làm giá” chứ không phản ánh đúng bản chất thị trường bởi nguồn cung đất ở Huế khá dồi dào. Đã dồi dào, tức là người có nhu cầu có nhiều sự lựa chọn thì không có một cái giá phi mã như vậy.

Từ đợt biến động giá của thị trường BĐS vừa qua, chúng ta có thể nhận thấy nó chỉ tập trung biến động ở một số khu vực, mà tập trung nhất là các khu quy hoạch. Những miếng đất nhỏ lẻ, xen ghép, đất chia lô từ nhà dân có “ăn theo” sự biến động này nhưng không mạnh.

Quan sát các đợt đấu giá đất, chúng ta thấy có một nhóm chuyên kinh doanh BĐS đã có sự chi phối khá mạnh vào thị trường này. Họ thường đẩy giá đấu lên rất mạnh để chi phối. Khi mặt bằng giá cao đã định hình thì họ bung ra bán kiếm lời. Sự mua bán thường là chớp nhoáng. Lẽ thường, đã có người thắng thì tất nhiên có người thua. Người thua ở đây thường là không có kinh nghiệm, thấy thị trường biến động “chen chân” vào với kỳ vọng kiếm lời nhưng “rút chân” ra không kịp. Hôm rồi có dịp trò chuyện với một người chuyên kinh doanh BĐS, anh cho biết thì trường đang đi xuống. Theo nhận định của anh, nó còn xuống nữa và có thể một thời gian nữa rơi vào trạng thái đóng băng.

Cách đây mười mấy năm cũng đã có một đợt biến động giá BĐS rất mạnh. Khi “sóng” đi qua, thị trường im ắng kéo dài mười mấy năm.

Dường như điều này đã lặp lại. Hai năm qua, thị trường BĐS từ từ bò lên dốc. Mọi người nháo nhào lao vào thị trường này. Khi đạt đến đỉnh điểm thì giá biến động rất mạnh. Và điều gì đã diễn ra? Thị trường đã tụt dốc. Nhận định thị trường có thể im ắng kéo dài dựa trên cơ sở: một lượng tiền rất lớn đã đổ vào đây. Lượng tiền này không được xoay vòng thì lấy đâu nữa mà để thị trường đi lên. Cái lý thứ hai là tâm lý của người mua. Họ không biết tình trạng giá thấp kéo dài trong bao lâu để mà đầu tư. Đây chính là một “ngón bồi” nữa cho thị trường tụt dốc.

Những biện pháp hành chính rất khó can thiệp vào thị trường đang hưng phấn. Muốn can thiệp, chỉ có một cách là minh bạch thông tin và có những cảnh báo sớm. Ví dụ, có bao nhiêu dự án BĐS đang và sẽ hoạt động. Nó cung cấp ra thị trường bao nhiêu nền đất, căn hộ. Nếu sự can thiệp này sớm, đúng lúc thì có thể nó có tác động điều chỉnh thị trường. Nói chính xác hơn là nó tác động đến tâm lý người mua. Họ có đầy đủ thông tin, dữ liệu để phân tích tình hình. Và vì thế, thị trường phản ánh tương đối đúng giá trị thật.

Trở lại công văn trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã chỉ đạo rất cụ thể cho từng sở ngành liên quan. Ví dụ như: “Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường BĐS về đất đai. Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường BĐS về nhà ở. Thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền. Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo thì cần chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”

Lê Phương