Chân dung cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: TL

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, có thể khẳng định tố chất và tinh thần, sở trường làm báo trong con người xứ Quảng. Điều này được minh chứng qua trường hợp báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng và Sông Hương gắn liền với cụ Phan Khôi. Đặc biệt là ngoài những nội dung phong phú, xuyên suốt tinh thần Tiếng Dân và cụ Huỳnh - Viện Dân biểu Trung kỳ, tờ báo còn chứa đựng nhiều vấn đề văn hóa xã hội độc đáo, nổi cộm trong bối cảnh Đông – Tây hội ngộ, giao thời giữa cựu học và tân học...

Cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) người xã Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay thuộc xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam). Theo văn bia tiến sĩ trên Văn Miếu Huế thì cụ Huỳnh sinh năm Bính Tý, đến năm Thành Thái thứ 8 (1896) được làm học sinh ở tỉnh, đỗ cử nhân khoa Canh Tý (Thành Thái năm thứ 12 - 1900), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Giáp Thìn (1904) khi 29 tuổi, cùng bảng vàng với người đồng hương Trần Qúy Cáp (xã Bất Nhị, tổng Đa Hòa Thượng, phủ Điện Bàn).

Điểm lạ là trong buổi giao thời, cụ đỗ đạt lại không ra làm quan, chỉ ở nhà chú tâm đọc sách, ủng hộ việc học chữ quốc ngữ và tham gia phong trào Duy Tân nên bị bắt, kết án tử hình năm 1908 nhưng được giảm án rồi bị đày ra Côn Đảo. Đến năm 1921, cụ được thả tự do và tiếp tục hoạt động trong phong trào yêu nước. Năm 1926, cụ trúng cử dân biểu và được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Sau Cách mạng tháng Tám, cụ được mời làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và khi Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán, cụ đảm trách Quyền Chủ tịch nước.

Nhờ vai trò nghị viên dân biểu mà con đường đấu tranh cách mạng vì nước vì dân của cụ đã góp phần quan trọng hình thành nên báo Tiếng Dân (1927 - 1943), với nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt ở Huế - miền Trung đầu thế kỷ XX. Ngày 8/10/1926, cụ Huỳnh có đơn gửi Toàn quyền P. Pasquier xin phép xuất bản một tờ báo bằng chữ Quốc ngữ Tiếng Dân (La Voix du Peuple), đặt tại Đà Nẵng để phổ biến những tư tưởng yêu nước, canh tân theo lối ôn hòa. Theo chương trình, báo Tiếng Dân ra hai số/tuần (thứ tư, thứ bảy), với lý tưởng phục vụ lợi ích quốc gia, giúp chính quyền biết được nguyện vọng của người dân; hỗ trợ giáo dục đạo đức, tri thức, chính trị và kinh tế. Đến ngày 12/2/1927, Toàn quyền Đông Dương mới ký nghị định cho xuất bản tờ Tiếng Dân.

Một tờ báo Tiếng Dân

Báo có nhà in riêng, phụ tá có Đào Duy Anh, Trần Đình Phiên (trị sự), một kế toán và một văn thư. Ngoài ra, phải kể đến sự tham gia của quản đốc nhà in Trần Hoành (Cửu Cai, bạn tù Côn Đảo), văn thư Nguyễn Xương Thái (thư ký sở Thương chính Đà Nẵng). Chủ nhân rạp chiếu bóng Tam Tân ở Huế là Trần Kiêm Trinh cùng người cháu Phạm Đăng Nghiệp (bố của họa sĩ Phạm Đăng Trí) hỗ trợ nơi ăn chốn ở, thuê tòa soạn trong thời kỳ đầu còn khó khăn; rồi vai trò mạnh thường quân, tham gia ban biên tập của y sĩ Trần Đình Nam, giáo sư Võ Liêm Sơn...

Chi tiết đáng chú ý là dù đã đồng ý nhưng người Pháp buộc tòa soạn phải đặt tại Huế. Đến tháng 4/1927, báo Tiếng Dân mới chính thức được đặt tại 123 Đông Ba (nay là 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, Huế). Mùa hè năm 1927, các ông Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Xương Thái và Đào Duy Anh ra Hà Nội mua lại toàn bộ nhà in Nghiêm Hàm mang về Huế để in ấn báo Tiếng Dân, dự định bắt đầu vào mùa thu.

Chính vì mục tiêu cao cả vì dân theo hướng chấn hưng đất nước đó của Tiếng Dân mà người Pháp luôn kiểm soát gắt gao. Hơn nữa, Tòa soạn Tiếng Dân còn chịu sự quản lý trực tiếp, lưu trữ và theo dõi sát sao của Sở Liêm phóng (phụ trách thông tin báo chí). Kế hoạch kiểm soát Tiếng Dân của Giám đốc sở Liêm phóng Trung kỳ L. Sogny (tháng 3/1927) đã cho lập hẳn một ban kiểm soát gồm Bùi Văn Cung, thư ký Đoàn Nẫm (người của Pháp tại Bộ Lại) và Đặng Thái Vận (nhân viên Sở Liêm phóng). Tiếng Dân không được xúc phạm tới chính trị Pháp - Nam. Trong quy trình kiểm duyệt, Tòa soạn phải nộp hai bản vỗ (bản nộp đầu tiên- NV) cho Sở Liêm phóng cùng bản dịch tiếng Pháp, duyệt xong sẽ trả lại một bản, được ký, đóng dấu và Visa pour publication (Được ấn hành). Sau khi báo ấn hành, phải nộp lưu chiểu ở hai kho lưu trữ của Tòa Khâm sứ và cảnh sát.

Từ số đầu tiên ra ngày 10/8/1927 cho đến số cuối cùng bị đình bản ngày 24/4/1943 (số 1766), Tiếng Dân thực sự có nhiều đóng góp cho lịch sử văn hóa Huế - miền Trung, cho báo chí Việt Nam. Chính vì vậy mà chính quyền bảo hộ đã ra lệnh đình bản.

Sinh ra tại Quảng Nam, an nghỉ tại Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp của cụ Huỳnh đã nở rộ, gắn bó với Huế, đặc biệt là lưu danh ở Văn Miếu Huế và Dân biểu Trung kỳ, báo Tiếng Dân. Trụ sở báo Tiếng Dân trong định hướng xã hội hóa, xây dựng trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch gắn liền di sản báo chí, tư liệu về lịch sử văn hóa Huế - miền Trung sẽ càng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

TRẦN ĐÌNH HẰNG